08/01/2020 13:11
Trong năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác khuyến nông, góp phần tích cực vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ở cơ sở, đưa các mô hình sản xuất với các giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế vào sản xuất ở những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Đồng thời, chú trọng triển khai nhiều giải pháp về kỹ thuật, công tác tư vấn khuyến nông, công tác thông tin tuyên truyền và nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương cơ sở và người dân.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện 14 mô hình khuyến nông với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
|
Nhờ lựa chọn các cây giống, con giống mới có ưu điểm về năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương; lựa chọn đúng đối tượng tham gia là các hộ dân có yêu cầu, ý chí và năng lực; hỗ trợ một phần hoặc toàn phần giống, kinh phí mua vật tư, phân bón; tổ chức tập huấn kỹ thuật và chỉ đạo cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp theo từng tiến độ nên các mô hình đều đạt kết quả rất tích cực.
Các mô hình áp dụng kỹ thuật và đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, chăn nuôi ở các hộ gia đình bước đầu cho kết quả tốt, cây trồng thích nghi với điều kiện địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt. Cụ thể các mô hình như: trồng thâm canh, tái canh cây cà phê vối giống TRS1, trồng xen cây ăn quả, trồng chuối Nam Mỹ cấy mô, trồng sâm dây tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, sinh trưởng ổn định, chưa phát hiện sâu bệnh hại. Mô hình tưới tiết kiệm cà phê đưa vào ứng dụng thực tế đã giúp các hộ dân tiết kiệm được nước tưới, công sức và thời gian. Mô hình trồng cà chua an toàn ứng dụng công nghệ cao cho thu hoạch ổn định. Mô hình vỗ béo bò giúp nông dân thu lãi trung bình 3 triệu đồng/con sau 3 tháng vỗ béo. Mô hình nuôi cá ao với các giống cá rô phi, diêu hồng phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 500g/con. Mô hình nuôi gà Lương Phượng sinh sản tỷ lệ sống đạt 97%. Các mô hình trồng lúa đạt năng suất cao hơn 15% so với ngoài mô hình, giống RVT đạt 70 – 75 tạ/ha, giống HDT10 và HT1 đạt trên 75 tạ/ha, giống Bắc Thịnh đạt 80 – 85 tạ/ha.
|
Đánh giá về các mô hình khuyến nông đang triển khai tại địa phương, ông Đỗ Xuân Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) cho biết, thông qua các mô hình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện, nhận thức của bà con nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật được nâng cao rõ rệt. Từ đó, tạo nên sự phấn khởi của nông dân, thúc đẩy họ cần cù và siêng năng hơn trong lao động sản xuất để cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Còn bà Y Geo – Chủ tịch UBND xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) khẳng định: Các mô hình khuyến nông tái canh cà phê vối, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê và tưới tiết kiệm cà phê góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, bổ sung nhiều kiến thức về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho bà con DTTS trên địa bàn xã Ia Chim. Hiện nay, người dân địa phương đã quen với việc sử dụng phân bón trong sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng- đây là bước tiến trong thay đổi tập quán sản xuất tồn tại từ bao đời nay trong đời sống của đồng bào DTTS tại chỗ.
|
Ông Phan Văn Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Trước khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng lúa RVT với quy mô 10ha với sự tham gia của 47 hộ dân trong 2 vụ đông xuân và vụ mùa năm 2019, xã Đoàn Kết thực hiện việc đưa giống lúa chất lượng cao này về trồng thử nghiệm vào năm 2015 trên diện tích 3,4ha. Tuy nhiên, ở vụ mùa năm đó, giống lúa RVT bị sâu bệnh nên năng suất không cao. Khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn tận tình, các hộ tham gia thực hiện đúng các quy trình. Do vậy, mô hình trồng lúa RVT mà Trung tâm Khuyến nông triển khai tại địa phương cho kết quả ngoài mong đợi, tạo được sự tin tưởng của nông dân, cây lúa RVT không bị sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng, kết thúc 2 mùa vụ giống lúa RTV cho năng suất rất cao. Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đoàn Kết học tập mô hình và chủ động đưa giống lúa này vào cơ cấu sản xuất trên diện tích canh tác của gia đình mình.
Ông Đặng Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Các mô hình khuyến nông triển khai trong vụ sản xuất năm 2019 bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và được bà con nông dân hưởng ứng, áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như số lượng mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao còn ít (do yêu cầu kinh phí lớn) hay các mô hình chủ yếu còn tập trung về trình diễn, chuyển giao kỹ thuật, chưa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn các mô hình có quy mô phù hợp, gắn với việc thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, xây dựng bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở thực hiện. Căn cứ vào chương trình khuyến nông giai đoạn 2020 - 2022 được UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm sẽ xây dựng các chương trình, nhiệm vụ khuyến nông tập trung trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với đào tạo chuyển giao công nghệ, liên kết tiêu thụ sản phẩm… nhằm tiếp tục đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng các mô hình khuyến nông cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa; tăng cường, đổi mới công tác thông tin tuyên truyền; phấn đấu các mô hình khuyến nông tăng 15 - 20% về hiệu quả kinh tế… góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đức Thành