Hiệu quả từ chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Mô Rai

29/09/2014 14:44

Với việc phát triển cao su ở Mô Rai, các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 4.000 lao động (trong đó có gần 1.500 lao động là người DTTS), đầu tư xây dựng 563,7 km đường giao thông, 73,4 km đường điện, 1.311 nhà ở cho công nhân, 27 nhà trẻ…

Đến với Mô Rai (huyện Sa Thầy) nhiều lần, nhưng mỗi lần đến trong tôi đều cảm nhận thêm nhiều điều mới mẻ khởi phát ở địa phương này. Bên kia là rừng cao su chạy dài tít tắp, xanh tốt ôm lấy làng công nhân; bên này là những tuyến đường mới mở, là nhà trẻ, là ngôi trường mái ngói đỏ tươi mới mọc lên giữa rừng cao su trong tiếng trẻ i a học vần. Biên giới hoang vu ngày nào, nay là một “thị tứ xanh” tràn đầy sức sống…

Có được sự đổi thay này là nhờ chủ trương sáng suốt của tỉnh trong việc chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su và việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Mô Rai phát triển cao su, xây dựng tiền đồn bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hải- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thực hiện chủ trương phát triển 100.000 ha cao su vùng Tây Nguyên của Chính phủ, từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã cho triển khai thực hiện 56 dự án của 10 doanh nghiệp chuyển đổi 39.132,9 ha rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở xã Mô Rai. Theo đó, các doanh nghiệp đã đi vào thực hiện dự án và trồng 27.456 ha cao su; dự kiến đến năm 2015 sẽ trồng hết diện tích đất đã chuyển đổi.

Báo cáo của các đơn vị trồng cao su và kết quả kiểm tra của các đoàn công tác Trung ương, khu vực đất trồng cao su trên địa bàn xã Mô Rai có độ cao khá lý tưởng (250-300m so với mặt nước biển), khí hậu nóng ẩm, số ngày nóng trên 200 ngày/năm, đất ferralit có tầng dày trên 1mét… là điều kiện rất phù hợp với viêc phát triển cây cao su. Đất mới, lòng người hòa hợp, cây cao su sinh trưởng tốt vượt các chỉ tiêu sinh trưởng theo quy định của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Trung tá Trần Đức Niên- Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su 78 (Công ty TNHH MTV TCT 15) khẳng định, việc phát triển cao su ở Mô Rai khá lý tưởng và ít có nơi nào sánh bằng. Công ty có 3.000 ha cao su ở Mô Rai, trong đó có hơn 2.000 ha cao su đi vào kinh doanh cho năng suất mủ quy khô đạt bình quân 2,134 tấn/ha, cao nhất ở Tây Nguyên. Năm 2013, mặc dù giá cao su xuống thấp, nhưng Công ty đã đạt doanh thu gần 120 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 35 tỷ đồng và người lao động vẫn có thu nhập bình quân 6,41 triệu đồng/tháng. Không chỉ khẳng định được thương hiệu trên vùng đất khó, Công ty còn giúp chính quyền phương và người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình, Công ty đã giúp người dân phát triển 68 ha cao su tiểu điền, hướng dẫn kỹ thuật trồng 28 ha lúa nước, giúp gần vạn ngày công để phát triển sản xuất, khắc phục thiên tai; trích 8 tỷ đồng ủng hộ quỹ từ thiện, nhân đạo do địa phương phát động, 32 tấn gạo cho quỹ “hũ gạo tình thương” cấp cho gia đình chính sách, hộ nghèo; điều trị gần 4.000 người dân đến khám và chữa bệnh tại Bệnh xá quân y. Điều đó khẳng định, việc phát triển kinh tế, xây dựng vùng chuyên canh cây cao su ở Mô Rai kết hợp củng cố quốc phòng là một chủ trương đúng đắn của tỉnh.

Với việc phát triển cao su ở Mô Rai, các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 4.000 lao động (trong đó có gần 1.500 lao động là người DTTS), đầu tư xây dựng 563,7 km đường giao thông, 73,4 km đường điện, 1.311 nhà ở cho công nhân, 27 nhà trẻ…Việc phát triển cây cao su đã góp phần sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, hình thành vùng chuyên canh gắn với chế biến nguyên liệu, tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương phát triển.

Trong chuyến giám sát mới đây, đồng chí Trần Việt Hùng- Phó ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đánh giá cao việc phát triển cây cao su ở xã Mô Rai và sự tham gia của doanh nghiệp trong việc góp phần chuyển đổi cây trồng, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân địa phương. Bên cạnh đó cây cao su cùng với người lao động sẽ là hành lang góp phần tích cực trong bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền của tổ quốc.

Với việc chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, các doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, góp phần cùng với sự đầu tư của Nhà nước hình thành các điểm dân cư và tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thành lập huyện mới ở khu vực Nam Sa Thầy vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Văn Nhiên                               

Chuyên mục khác