05/11/2019 06:12
Chúng tôi đến xã Đăk Trăm vào cuối tháng 10/2019. Vào đúng thời điểm này, bà con Xơ Đăng ở các thôn làng ở xã Đăk Trăm đang chuẩn bị tổ chức lễ mừng lúa mới nên khắp nơi không khí rộn ràng, phấn khởi, người dân hội tụ về dưới mái nhà rông của làng để chuẩn bị cho ngày lễ.
Anh A Thu - Trưởng thôn Đăk Rô Gia phấn khởi cho biết, đây là năm thứ 2 lễ mừng lúa mới của thôn được tổ chức tại nhà rông mới. Nhà rông của thôn Đăk Rô Gia được xây mới và đưa vào sử dụng từ ngày 10/10/2018. Chi phí xây mới nhà rông hơn 150 triệu đồng, trong đó, có 30 triệu đồng là tiền nhận khoán của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô chi trả cho cộng đồng thôn theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Anh A Thu chia sẻ, tất cả các hộ dân trong thôn Đăk Rô Gia (200 hộ) đều tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô với diện tích 280,46ha. Hàng năm, từ việc tham gia nhận khoán, cộng đồng thôn Đăk Rô Gia được nhận số tiền 231.659.960 đồng. Thôn lập ra ban điều hành để theo dõi và chi trả cho các hộ tham gia nhận khoán sau mỗi lần đi tuần tra rừng, dựa trên cơ sở công khai, minh bạch; đồng thời hướng dẫn người dân nhận khoán sử dụng nguồn tiền này có hiệu quả trong đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
|
“Từ khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, bà con có thu nhập để trang trải cuộc sống, thôn cũng có quỹ giải quyết được nhiều công việc chung nên mọi người cũng rất phấn khởi”, anh A Thu nói.
Cũng giống như cộng đồng thôn Đăk Rô Gia, cộng đồng thôn Tê Pen (64 hộ) cũng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô với diện tích 115,93ha. Mỗi năm, cộng đồng thôn Tê Pen được Công ty chi trả 95.758.180 đồng. Từ nguồn quỹ này, thôn đã vận động bà con thống nhất ủng hộ lập quỹ chung giống thôn Đăk Rô Gia.
Anh A Chinh - Thôn trưởng thôn Tê Pen cho hay, năm nay, bà con thôn Tê Pen có niềm vui nhân đôi khi lễ mừng lúa mới được tổ chức dưới ngôi nhà rông vừa khánh thành đưa vào sử dụng vào tháng 6/2019. Trong đó, thôn đã trích 6 triệu đồng trích từ quỹ chung từ tiền nhận khoán để đóng góp xây dựng nhà rông mới. Kinh phí tổ chức lễ mừng lúa mới sắp tới cũng được bà con trong thôn thống nhất trích từ nguồn quỹ chung này.
Ông Phan Trọng Văn - Phó Giám đốc Lâm trường Đăk Tô (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) cho biết, ở xã Đăk Trăm, Lâm trường đang quản lý diện tích 2.153,6ha, trong đó, giao khoán 742,03ha cho 5 cộng đồng thôn Đăk Dring, Đăk Rô Gia, Tê Pen, Tê Pheo và Đăk Trăm.
Cộng đồng các thôn tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đều thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng nhận khoán, đi tuần bảo vệ rừng đúng theo kế hoạch, đầy đủ, có trách nhiệm và kịp thời tham gia hỗ trợ cán bộ của Lâm trường trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phát hiện ngăn chặn các trường hợp vi phạm, xâm hại rừng.
|
Ông Phan Trọng Văn chia sẻ, ngoài giao khoán bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô còn hợp đồng trồng rừng (trồng cây thông) với các hộ dân ở 5 thôn để nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho bà con. Với mỗi héc ta rừng trồng mới, công ty trả 27 triệu đồng cho hộ nhận trồng trong 4 năm, sau thời gian này, công ty tiếp tục hợp đồng giao khoán cho chính các hộ nhận trồng này để bảo vệ. Hiện nay, công ty đang hợp đồng trồng rừng với hơn 200 hộ dân trên diện tích hơn 300ha. Diện tích rừng trồng này đã được gần 4 năm tuổi và đang sinh trưởng rất tốt.
Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho hay, hiện nay xã Đăk Trăm quản lý hơn 80ha rừng. Hàng năm, địa phương được nhận 60 triệu đồng từ nguồn cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Với số tiền trên, hàng năm, UBND xã Đăk Trăm đều lập kế hoạch, chi cho công tác hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn xã. Cụ thể, từ nguồn tiền này, xã chi cho các hoạt động tuần tra, truy quét rừng hàng tháng của các lực lượng chức năng (kiểm lâm, công an, dân quân…) và lập chốt trực 24/24 tại các khu vực có nguy cơ phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép vào những thời điểm nóng; mua sắm các công cụ hỗ trợ; in sao bản đồ…
“Với việc giao khoán theo chính sách dịch vụ môi trường rừng và hợp đồng trồng rừng, những năm qua công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức về bảo vệ rừng của bà con nhân dân ở các thôn ngày càng nâng cao; số vụ vi phạm lâm luật giảm, việc xâm lấn rừng làm nương rẫy không còn xảy ra; người dân sống gần rừng có thêm công việc, thu nhập ổn định, đời sống ngày một nâng lên”, ông Trương Đình Tuệ đánh giá.
Đức Thành