Hiệu quả nhưng chưa linh hoạt

22/11/2014 15:19

Xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) đã tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư, huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân để thực hiện bê tông hoá đường nội thôn. Nhờ đó, những con đường bê tông ở xã đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, với cách huy động sức dân theo kiểu cào bằng, đã gây khó khăn cho nhiều gia đình.
Người dân thôn Nhơn Lý đang gia cố lề đường. Ảnh: T.H

 

Xác định, giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần tạo diện mạo khang trang cho các thôn, làng; thời gian qua, xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) đã tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư, huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân để thực hiện bê tông hoá đường nội thôn. Nhờ đó, những con đường bê tông ở xã đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, với cách huy động sức dân theo kiểu cào bằng, đã gây khó khăn cho nhiều gia đình.

Hiệu quả nhờ huy động sức dân

Xã Sa Nhơn được đánh giá là một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM ở huyện Sa Thầy, đặc biệt là huy động sức dân để làm đường giao thông nông thôn. Chỉ từ tháng 9 đến nay, đã có 3 con đường được triển khai xây dựng, trong đó có một con đường đã đưa vào sử dụng.

Ông Vũ Đình Dũng – Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn cho biết: Sa Nhơn xác định xây dựng NTM là phải tự lực, tự cường chứ không thể cứ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, nên khi được phân bổ nguồn vốn hỗ trợ làm đường nông thôn, xã đã chủ trương vận động người dân đóng góp tiền và công sức để làm. Xã chọn thôn Nhơn Lý làm điểm vì đây là thôn mà phần đông các hộ có đời sống kinh tế khá giả hơn so với mặt bằng chung các hộ trong xã. Theo đó, ban đầu, khi tỉnh mới có chủ trương chỉ hỗ trợ xi măng và ống cống, còn lại các vật liệu khác và ngày công do dân tự đóng góp, với tổng số tiền khoảng 160 triệu đồng, chia bình quân mỗi hộ đóng góp 2 triệu đồng và 10 công lao động. Nhưng sau đó, Nhà nước tăng mức hỗ trợ, nên thôn đã họp bàn và quyết định chỉ thu 2 triệu đồng/hộ đối với hơn 60 hộ có đất và nhà ở sát con đường; gần 20 hộ không có nhà, đất trên con đường, thôn chỉ thu 500.000 đồng/hộ để có kinh phí mắc điện chiếu sáng công lộ. Sau hơn một tháng triển khai, con đường thôn Nhơn Lý dài 750m, trị giá 655 triệu đồng đã hoàn thành, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 367 triệu đồng.

Sau thôn Nhơn Lý, xã Sa Nhơn tiếp tục triển khai phong trào làm đường giao thông sang thôn Nhơn Khánh và Nhơn An. Ở Nhơn Khánh, 40 hộ hưởng lợi trực tiếp từ con đường phải đóng góp 2 triệu đồng/hộ, 18 hộ khác được giảm mức đóng góp xuống còn 1-1,5 triệu đồng. Đến nay, đường trục thôn Nhơn Khánh đã cơ bản hoàn thành về san ủi mặt bằng. Ở thôn Nhơn An, xã cũng đang tiến hành khảo sát và lập dự toán kinh phí để triển khai.

Cần linh hoạt hơn

Huy động sức dân làm đường giao thông ở Sa Nhơn là một chủ trương đúng nhằm phát huy nội lực, tinh thần trách nhiệm của người dân và chia sẻ gánh nặng với Nhà nước. Nhưng với cách huy động theo kiểu cào bằng về mức đóng góp đối với tất cả các hộ, trong đó có cả hộ khó khăn, hộ nghèo đã vô tình tạo ra áp lực lớn đối với họ.

Chẳng hạn như gia đình ông Cao Đức Thắng (thôn Nhơn Lý), dù không thuộc diện hộ nghèo, nhưng kinh tế gia đình cũng rất khó khăn. Nhưng vì gia đình ông là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ việc làm đường, không thể xin giảm hay miễn được, nên ông chấp nhận mức đóng góp bằng mọi nhà. Tuy nhiên, khi triển khai làm đường, cán bộ thôn đến thu tiền thì ông không biết tìm đâu ra 2 triệu đồng để nộp cho thôn. Ông đã xin làm thuê cho những gia đình không có người tham gia công làm đường với mức 150.000 đồng/ngày để lấy tiền đóng góp, nhưng cũng không đủ nộp và ông lại tiếp tục xin làm một số việc tu bổ sửa chữa.

Anh Phạm Đăng Toán (thôn Nhơn Khánh) chia sẻ: Xã, thôn huy động đóng góp làm đường là để phục vụ cho chính cuộc sống của người dân, nên chúng tôi rất đồng thuận, nhưng chia đều một mức đóng góp thì những nhà điều kiện kinh tế khó khăn như tôi sẽ đuối khi phải theo các hộ khá giả. Tôi xin làm thuê cho những nhà không có người đóng góp công để có tiền nộp cho thôn, còn thiếu bao nhiêu, gia đình tôi sẽ cố gắng nộp dần chứ nếu bắt nộp ngay thì tôi cũng đành chịu.

Để có thể triển khai làm đường đúng thời gian, hơn một tháng qua, cán bộ thôn, ban giám sát làm đường thôn Nhơn Khánh rất tích cực đôn đốc, nhắc nhở và đi thu tiền, nhưng đa số các hộ đều mới chỉ đóng được một phần, có hộ chưa đóng được đồng nào xin khất đến khi thu hoạch mỳ và các loại nông sản khác mới có tiền đóng… Chính vì thế, đến giờ con đường thôn Nhơn Khánh dù đã làm xong mặt bằng nhưng vẫn đang chờ tiền để trải bê tông. Ngay cả ở thôn Nhơn Lý, dù con đường đã được thảm bê tông đẹp đẽ, nhưng vẫn còn một số gia đình chưa đóng đủ định mức và cán bộ thôn quyết định vẫn tiếp tục thu đủ để dành làm nguồn kinh phi tu bổ, sửa chữa sau này.

Theo lý giải của ông Vũ Đình Dũng, mức đóng góp là do người dân tự nguyện chứ xã không hề ép buộc. Tuy nhiên, nếu không chia đều mức đóng góp cho các hộ dân thì rất khó thu đủ số tiền cần thiết cho các công trình và cũng tạo tâm lý so bì trong dân. Trên thực tế, ngay cả khi đã bình quân mức đóng góp rồi, cũng vẫn có ý kiến thắc mắc giữa nhà đã nộp đủ và nhà chưa nộp đủ. 

Đành rằng, việc đóng góp là trên tinh thần tự nguyện, tự giác với những cánh tay đồng thuận giơ lên trong các buổi họp dân, bởi họ đều hiểu rõ tinh thần trách nhiệm và lợi ích từ việc làm này. Tuy nhiên, nếu như xã Sa Nhơn và các thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hơn, để có sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc huy động sức dân, như phân ra nhiều mức đóng góp, hoặc vận động sự tự nguyện của các hộ khá giả trước rồi mới đến hộ khó khăn sau... sẽ giúp chia sẻ gánh nặng trong dân, giảm bớt áp lực cho các hộ khó khăn và phát huy tinh thần tương trợ, đoàn kết giúp nhau nhiều hơn trong mỗi thôn, xóm. Bên cạnh đó, việc huy động cũng cần chia làm nhiều đợt chứ không nên nóng vội, làm ngay, làm nhanh, khiến người dân bị đuối.

                          Thuỳ Hương

 

Chuyên mục khác