Hiệu quả mô hình luân chuyển vốn ở Đăk Hring

15/01/2021 13:01

Những năm qua, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, UBND xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) đã triển khai hiệu quả mô hình “Luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăm sóc cây cà phê, chăm sóc cao su, chăn nuôi heo”. Qua đó, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có vốn đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Anh Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Đăk Hring cho biết: Thời gian hoạt động của mô hình từ năm 2016 đến năm 2019 với tổng số 25 hộ nghèo tham gia. Các hộ tham gia mô hình có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ. Đồng thời, số vốn luân chuyển giúp nhiều hộ có thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. 

Với tổng nguồn vốn 250 triệu đồng, mô hình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, mỗi hộ 10 triệu đồng theo hình thức đầu tư không tính lãi trong thời gian không quá 3 năm (kể từ ngày nhận vốn). Số vốn gốc được trả dần hàng năm, dứt điểm trong 3 năm để luân chuyển cho hộ nghèo khác. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy vào tình hình thực tế, các hộ gia đình có thể hoàn trả hết một lần hoặc trả dần theo từng năm khi kết thúc thời hạn.

Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: H.T

 

Để triển khai mô hình có hiệu quả, ngay khi có chủ trương phân bổ nguồn vốn, UBND xã Đăk Hring tiến hành lập Ban quản lý để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền về cách thức triển khai nguồn quỹ và các ưu tiên thụ hưởng khi tham gia mô hình này; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi theo quy trình hiện đại.

“Khi tham gia mô hình này, người dân không chỉ được vay vốn mà còn nhận được sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật từ những chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác. Các hộ nghèo có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền gốc trong thời gian quy định, do đó số vốn ban đầu được bảo toàn, mô hình giảm nghèo được luân phiên nhân rộng ngày càng nhiều. Mặt khác, người dân ý thức và chủ động hơn trong phát triển kinh tế, giảm tư tưởng chây lười, ỷ lại; qua đó các chương trình, dự án giảm nghèo khác cũng phát huy được hiệu quả” - anh Lê Văn Hiền cho biết thêm.

Được hỗ trợ vốn, các hộ nghèo tham gia mô hình rất phấn khởi, cố gắng lao động, vươn lên thoát nghèo. Qua 4 năm triển khai, đến nay đã có 22 hộ trả nợ nguồn vốn với số tiền 220 triệu đồng. Trong số 25 hộ tham gia dự án có 12 hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên có cuộc sống ổn định, thu nhập kinh tế gia đình tăng từ 15%/năm.

Anh A Khies bên vườn cà phê xanh tốt. Ảnh: HT

 

Anh A Khies (31 tuổi) ở thôn Kon Hnong Pêng (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) là một trong số những hộ gia đình được hỗ trợ vốn từ mô hình để đầu tư chăm sóc cà phê. Sau khi vay vốn, A Khies mua phân bón và vật tư nông nghiệp, tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc hiện đại. Nhờ vậy, diện tích cà phê của A Khies sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. A Khies tự nguyện xin thoát nghèo vào đầu năm 2020.

A Khies “khoe” với chúng tôi: “Nhờ số vốn vay được, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật nhiệt tình của cán bộ nên cà phê phát triển tốt, không sâu bệnh, cho quả nhiều. Hiện tại, thu nhập từ 1ha cà phê, cộng với 3 sào lúa của gia đình tôi là hơn 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhờ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cao su, tôi được nhận vào làm ở nông trường cao su, thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Bây giờ cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều, tôi không lo nghèo đói nữa”.

Cũng nhận hỗ trợ từ mô hình, nhờ đầu tư chăn nuôi hợp lý, gia đình anh Phạm Xuân May ở thôn Tân Lập B (xã Đăk Hring) vươn lên trở thành một trong những hộ chăn nuôi heo có hiệu quả tại địa phương, được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Nhờ cần cù chịu khó, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đàn heo của anh sinh trưởng tốt, cho lợi nhuận cao. Anh May tự nguyện xin thoát nghèo vào năm 2018.

Đàn heo của anh Phạm Xuân May có đầu ra ổn định. Ảnh: HT

 

Anh May chia sẻ: “Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, tôi đầu tư mua 3 con heo giống. Đến nay đàn heo giống đã to, khỏe, có thêm 3 heo giống khác; mỗi năm xuất bán 2-3 lứa heo giống, thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm. Tôi dự định mở rộng chuồng trại, xây thêm hầm biogas trong vài tháng tới, dự kiến thu nhập 200 triệu đồng/năm nhờ bán heo giống”.       

Anh Lê Văn Hiền cho biết, hiện tại UBND xã Đăk Hring đã thực hiện luân chuyển vốn giai đoạn mới (từ 6/2020 - 6/2023) cho 22 hộ nghèo khác trên địa bàn. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chương trình, chính sách giảm nghèo nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ nghèo vẫn còn thấp, lại bị giảm giá trị qua các năm do lạm phát, địa phương kiến nghị tăng định mức đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án giảm nghèo trong tương lai; tích hợp các chính sách giảm nghèo về một mối, tránh chồng chéo dẫn đến hiệu quả không cao.      

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác