28/04/2022 06:07
Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Sa Thầy, trong năm 2021, từ nguồn ngân sách nhà nước, xã Sa Bình tiến hành lựa chọn 20 hộ DTTS ở các thôn Khúc Na, Kà Bầy, Lung Leng và Bình Loong (xã Sa Bình) để hỗ trợ tham gia mô hình khuyến nông nuôi heo sọc dưa (mỗi hộ được cung cấp 4 con heo giống) để phát triển kinh tế gia đình, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình chăn nuôi này trong các hộ DTTS trên địa bàn.
Để triển khai mô hình có hiệu quả, UBND xã Sa Bình phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành khảo sát, rà soát, lập danh sách các hộ dân có nguyện vọng, đủ điều kiện tham gia mô hình, hướng dẫn các hộ dân bỏ vốn xây dựng chuồng nuôi. Công tác chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo sọc dưa cũng được địa phương và ngành chức năng chú trọng đúng mức. Theo đó, việc tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cấp con giống, vật tư hỗ trợ cho các hộ dân được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện theo đúng yêu cầu, quy định. Cụ thể, sau khi hoàn thành tổ chức tập huấn kỹ thuật, từ ngày 07-11/10/2021, Trung tâm tiến hành cấp cho mỗi hộ dân 4 con heo giống (trọng lượng mỗi con đạt từ 8-10kg) cùng 640kg thức ăn (gồm bột tổng hợp, gạo, bắp) để cho heo ăn trong thời gian 3 tháng và các loại thuốc phòng dịch bệnh.
Là những hộ dân tham gia mô hình, ông A Weo và ông A Wưk ở thôn Lung Leng cùng bỏ ra số tiền 10 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi heo chung có diện tích hơn 30m2. Ngoài 8 con heo giống được cấp hỗ trợ, ông A Weo còn tự mua thêm một con heo sọc dưa đực (giá 2 triệu đồng) để nuôi.
|
Ông A Weo chia sẻ, heo sọc dưa dễ nuôi vì ngoài thức ăn được cấp hỗ trợ, heo còn ăn rau khoai lang, thân cây chuối, cây bắp… đây đều là nguồn thức ăn dễ tìm kiếm và chuẩn bị. Hàng ngày, gia đình ông và ông A Wưk thay nhau vệ sinh chuồng nuôi và định kỳ (10 ngày/lần) tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Đến nay, nhờ nuôi và chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật nên đàn heo sọc dưa của hai gia đình nuôi chung (gia đình A Weo và gia đình A Wưk) đều khỏe mạnh, trọng lượng đạt từ 35-40kg/con và đã có 3 con heo nái mang thai.
“Có một số hộ dân trong thôn Lung Leng đến tham quan mô hình nuôi heo sọc dưa của gia đình tôi và gia đình ông A Wưk để tìm hiểu về cách chăn nuôi heo sọc dưa, với dự định sẽ bàn bạc với gia đình triển khai chăn nuôi loại heo này, vì vừa dễ nuôi lại cho hiệu quả kinh tế khá cao” - ông A Weo vui vẻ nói.
Tại thôn Khúc Na, hiện nay gia đình anh A Đang là một trong những hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi heo sọc dưa cho thấy hiệu quả ban đầu thuận lợi. Hiện gia đình anh A Đang có hai con heo nái mang thai và trọng lượng trung bình đạt 35kg/con.
|
Anh A Đang cho biết, gia đình anh bỏ gần 4 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi heo. Bên cạnh xây chuồng nuôi kín có mái che, anh còn tận dụng một khoảng sân vườn có cây xanh, rào lại làm không gian nuôi heo ngoài trời. “Nuôi heo theo hình thức nuôi nhốt dễ chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh và giúp heo lớn nhanh. Thời gian tới tôi sẽ tìm kiếm thêm nguồn thức ăn xanh để bổ sung dinh dưỡng cho đàn heo” - anh A Đang thông tin thêm.
Ông Trần Văn Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình đánh giá, với cách thức nuôi phù hợp và nguồn giống đảm bảo, mô hình nuôi heo sọc dưa bước đầu khai thác được tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương, phù hợp với khả năng của nhiều hộ DTTS trên địa bàn. Các hộ dân tham gia mô hình đã chấp hành tốt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhờ vậy tỷ lệ sống của tổng đàn heo đạt 92% và trọng lượng hiện tại đạt từ 35-40kg/con. Đàn heo sinh trưởng tốt, các hộ dân tham gia dự án đều phấn khởi. Trong thời gian tới, UBND xã Sa Bình sẽ cử cán bộ phối hợp Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện theo dõi, hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn heo; tiếp tục tổ chức vận động các hộ DTTS có điều kiện thuận lợi tham gia tập huấn kiến thức nuôi heo sọc dưa bằng hình thức nuôi nhốt.
Đức Thành