Hiện thực hóa phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

24/10/2016 09:08

Trong nền kinh tế hội nhập, sản phẩm nông nghiệp muốn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đòi hỏi người dân và nhà sản xuất phải hướng đến việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trước yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, sau khi HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh, ngày 23/8/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 915 về việc thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen và Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Đây là điều kiện, là cơ sở để Kon Tum từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ như thế nào là cao, ở Kon Tum có cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay chưa?

Nhiều loại giống lúa mới được lai tạo trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: V.N

 

Để làm rõ, chúng ta phải hiểu được khái niệm. Theo Luật Công nghệ cao, công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Còn theo Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Từ các căn cứ này, chúng ta có thể nói gọn lại rằng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là sản xuất trên cơ sở áp dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn và thân thiện với môi trường. Và, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen ở tỉnh được hình thành trên cơ sở Trại thực nghiệm thuộc Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ (Sở KH&CN tỉnh), Trung tâm Dạy nghề Măng Đen đang là đơn vị có những tiêu chí đáp ứng yêu cầu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nhân lực, ươm tạo và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức các hoạt động dịch vụ giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ khác theo quy định; thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công ghệ cao; khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư, kinh doanh hạ tầng.

Nhiệm vụ đặt ra cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen là tổ chức thực hiện hoặc liên kết thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức hoặc liên kết đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp, các lĩnh vực khác theo đơn đặt hàng và nhiệm vụ chính trị được giao; tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quảng bá thu hút đầu tư; kinh doanh khai thác cơ sở hạ tầng.

Để đẩy mạnh phát triển, UBND tỉnh đặt ra nhiều giải pháp quan trọng như tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quản lý nhà nước trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung huy động và đa dạng hóa nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ…

Trồng hoa theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đăk Hà. Ảnh: V.N

 

Trong các giải pháp này, giải pháp nào cũng quan trọng, nhưng trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt coi trọng. Trong thu hút đầu tư, việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao sẽ là những khâu đột phá trong sản xuất.

Bên cạnh đó, trong điều kiện tiềm lực khoa học, công nghệ của tỉnh chưa cao, việc hợp tác, liên kết với các trường đại học, các viện khoa học, các khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ chức kinh tế, các chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ cao để khu nông nghiệp công nghệ cao hoạt động có hiệu quả có vai trò quan trọng.

Sau cùng, để hiện thực hóa là việc cử sinh viên, các kỹ sư, các nhà khoa học đi nghiên cứu, học tập ở các nước có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Israel và một số nước khác để tỉnh ta có đủ điều kiện phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

                                                                     Văn Nhiên     

Chuyên mục khác