04/07/2018 07:16
Hàng may mặc “made in Viet Nam” lên ngôi
Sau nhiều năm “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt nhờ mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp, thời gian gần đây, những sản phẩm hàng may mặc “made in China” đã không còn là sự lựa chọn của số đông người tiêu dùng Việt mà thay vào đó là hàng hoá được sản xuất trong nước.
Dạo một vòng qua các cửa hàng kinh doanh quần áo trên địa bàn thành phố Kon Tum có thể thấy, những thương hiệu thời trang “made in Vietnam” ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường và thu hút được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm.
|
Các mặt hàng trong nước sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng với các phân khúc khác nhau từ quần áo trẻ em đến người lớn, quần áo nam, nữ, thời trang dạo phố, công sở... với nhiều mức giá từ bình dân đến cao cấp.
Các sản phẩm may mặc dành cho người lớn nổi tiếng với các thương hiệu như: Việt Tiến, An Phước, Khatoco, Gia Hồi, Vinatex, May 10, Nhà Bè...
Riêng quần áo trẻ em, cũng có tới hàng chục thương hiệu nội địa như Hanosimex, Tân Phú, Trung Việt… được người tiêu dùng đánh giá cao, vì mẫu mã khá bắt mắt, giá cả hợp lý.
Công bằng mà nói, so với các sản phẩm may mặc của Trung Quốc, sản phẩm nội địa khiêm tốn hơn về mẫu mã, song lại đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, giá cả cũng tương đối phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên rất được ưa chuộng.
Theo một số người kinh doanh quần áo thời trang cho hay, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Đa số người tiêu dùng thường ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng hơn là chạy theo những sản phẩm có mẫu mã đẹp nhưng không có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng không đảm bảo.
Để có được kết quả này, trước hết phải khẳng định rằng các doanh nghiệp dệt may trong nước đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, người tiêu dùng trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng ngày càng hiểu và dành nhiều ưu ái cho hàng Việt.
Mặt khác, đời sống kinh tế của người dân cũng ngày càng được nâng cao nên phần lớn người tiêu dùng trở nên thận trọng, kỹ càng hơn trong việc mua sắm chứ không chỉ chăm chăm vào những mặt hàng giá rẻ như trước đây.
Nỗi lo hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Việc người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn sản phẩm may mặc mang nhãn hiệu “made in Vietnam” là tín hiệu vui đối với ngành dệt may trong nước.
Tuy nhiên, một điều đáng lo là thời gian gần đây, lợi dụng sự tin tưởng, ưu ái của người dân dành cho hàng Việt, một số người kinh doanh bất chính đã tìm cách hô biến các loại hàng ngoại giá rẻ, hàng trôi nổi, kém chất lượng, hàng Trung Quốc thành hàng Việt để lừa khách hàng.
Cụ thể nhất là việc đánh tráo nhãn mác các mặt hàng Trung Quốc giá rẻ thành hàng Việt Nam và bán với giá thấp hơn các sản phẩm chính hãng. Những mặt hàng này luôn được người bán quảng cáo là hàng Việt Nam chất lượng cao, các nhà sản xuất đang triển khai các chương trình khuyến mãi nên giảm giá... để lôi kéo khách hàng. Người tiêu dùng thì đinh ninh rằng mình đang được mua các sản phẩm may mặc Việt Nam có chất lượng với giá ưu đãi thực sự.
Tình trạng trên diễn ra ở nhiều nơi, nhưng phổ biến nhất là ở các vùng nông thôn. Bởi, ở các khu vực này, một bộ phận không nhỏ người dân chưa có điều kiện mua sắm hàng chính hãng ở các doanh nghiệp, cơ sở uy tín nên dễ bị đánh lừa. Chỉ sau khi sử dụng, người dân mới thấy thất vọng về những mặt hàng được gắn nhãn mác “made in Vietnam” đó...
Có thể nói, với chiêu trò đánh tráo, làm giả nhãn mác, thay đổi xuất xứ, đang dần hình thành trên thị trường thời trang. Hàng giả được bày bán trên thị trường thời trang không chỉ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng mà còn tiếp tay phá hủy thương hiệu “made in Vietnam”, giết chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Ngoài ra, những mặc hàng này thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Sự vươn lên của thời trang may mặc trong nước và sự tin tưởng của người tiêu dùng dành cho hàng Việt là điều đáng mừng. Nhưng làm thế nào để giữ vững vị thế, lòng tin của người dân đòi hỏi không chỉ nỗ lực của các nhà sản xuất mà điều quan trọng hơn là cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý thị trường; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thiên Hương