01/04/2020 06:05
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kon Tum, những ngày cuối tuần qua, lượng người dân tới mua sắm tại các siêu thị có tăng hơn ngày thường, song hàng hóa vẫn rất dồi dào, đa dạng.
Nhóm hàng có sức tiêu thụ nhiều nhất là thực phẩm tươi sống như rau củ, thịt, cá và nhóm hàng thực phẩm công nghệ như sữa, dầu ăn, mì tôm... Riêng các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, đồ điện rất ít người quan tâm.
Chị Lê Thị Hường (đường Hoàng Thị Loan, phường Quang Trung) cho biết: Tôi thấy hàng hóa rất nhiều, phong phú, giá các mặt hàng đều rất ổn định. Những ngày qua, theo dõi thông tin trên báo, đài và từ thực tế các siêu thị, tôi nghĩ không có chuyện thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân nên mình không cần phải mua tích trữ.
Tại các chợ dân sinh, không khí mua bán cũng diễn ra khá bình thường. Nhưng đa phần người dân chỉ mua các mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau xanh, hóa mỹ phẩm... Điều đáng ghi nhận, tiểu thương và người mua hàng tại chợ đều có ý thức đeo khẩu trang, khoảng cách giữa các gian hàng được bố trí giãn rộng hơn so với ngày thường.
|
Giá các mặt hàng thực phẩm tại các chợ cũng đều ổn định, không có hiện tượng tăng giá. Chẳng hạn như, thịt bò dao động từ 200.000-270.000 đồng/kg, thịt lợn từ 120.000-150.000 đồng/kg (tùy loại); các loại cá nước ngọt dao động từ 55.000-90.000 đồng/kg (tùy từng loại cá và trọng lượng khác nhau), tôm từ 150.000 -230.000 đồng/kg (tùy loại).
Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 này, thực hiện khuyến cáo về việc hạn chế tụ tập nơi đông người nên một số người dân cũng mua hàng hóa nhiều hơn so với thường lệ. Song, không có tình trạng người dân ồ ạt mua với số lượng lớn để tích trữ như thời điểm trước đây - khi nước ta mới phát hiện ca nhiễm Covid-19 số 17 ở Hà Nội. Đa số người dân đã rút kinh nghiệm từ đợt trước nên không còn hoang mang, lo lắng về việc thiếu nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ đời sống.
Chị Phan Thị Thảo (tổ 4, phường Duy Tân) cho hay: Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi cũng ngại ra ngoài nên mua các loại thực phẩm nhiều hơn bình thường một chút, đủ dùng trong vòng 2-3 ngày nhằm giảm bớt số lần tới các nơi công cộng. Tôi thấy, hàng hóa từ chợ đến siêu thị đều rất nhiều nên mọi người không nhất thiết phải dự trữ nhiều, chỉ cần mua đủ dùng trong vài ngày là được; như thế vừa đảm bảo hạn chế đến nơi đông người, vừa đảm bảo thực phẩm tươi ngon.
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Sở Công thương đã làm việc với các nhà phân phối, các siêu thị để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi điều kiện. Vì thế, người dân không cần lo lắng thái quá, dự trữ với khối lượng lớn gây nên hiện tượng khan hiếm giả, tạo cơ hội cho một số đối tượng làm ăn bất chính đầu cơ, tăng giá và làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cấp, các ngành. Người dân chỉ nên mua lượng hàng vừa phải, đủ dùng cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Cũng theo ông Lê Như Nhất, hiện nay, đơn vị cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá nhằm trục lợi và công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài việc cung ứng đầy đủ hàng hóa, tại các siêu thị, các chợ trang bị nước rửa tay khô cho khách hàng và có lực lượng trực tại các lối ra vào để nhắc nhở người dân rửa tay, đeo khẩu trang khi đi mua sắm.
Trong thời gian này, bên cạnh các giải pháp cung ứng, điều phối hàng hóa của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, điều quan trọng là người dân cần hết sức bình tĩnh, không nên đổ xô mua hàng tích trữ. Đây cũng là hành động thiết thực để mỗi người sẻ chia khó khăn, chung sức chung lòng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thiên Hương