Hăng hái lao động, sản xuất sau Tết

28/02/2021 13:05

Không còn tâm lý “ăn chơi” hết tháng Giêng, sau Tết, người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum đã hăng hái bắt tay vào sản xuất với niềm tin năm mới sẽ gặt hái thắng lợi mới.

Những ngày tháng Giêng, trên các cánh đồng, rẫy cà phê, mì… đâu đâu cũng rộn ràng khí thế hăng hái thi đua sản xuất. Trên đám mì của cô Đào Thị Hiệp tại thôn 6, xã Đoàn Kết, mặc trời nắng chang chang, khoảng 30 nhân công đang khẩn trương làm việc. Mỗi người một việc, người nhổ, người chặt củ, người dọn hom… Cô Đào Thị Hiệp chia sẻ: Ở đây, ra Tết là người dân đi làm liền nên việc tìm nhân công khó lắm. Gia đình tôi tính toán nhổ mì vào ngày mồng 6, nhưng tìm không đủ công nên phải dời đến nay.

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với gia đình cô, việc sản xuất đều ổn định. Ngoài việc thu hoạch mì cho kịp vụ, cô còn buôn bán để kiếm thêm thu nhập. “Thu hoạch xong tôi sẽ làm đất để kịp trồng lại loại mì xanh vào mùa mưa. Hiện tại tôi đã mua giống, hy vọng năng suất sẽ cao hơn so với mì cao sản” - cô Hiệp hào hứng nói.

Người dân hăng hái sản xuất. Ảnh: H.T

 

Tại các rẫy cà phê, không khí cũng rộn ràng, khẩn trương không kém. Dưới cái nắng như đổ lửa, người lo vét hồ, người lắp béc nước, người kéo ống tập trung tưới cà phê. Chị Nguyễn Thị Yên, thôn Nghĩa An, xã Ia Chim cho biết: “Ra Tết là gia đình tôi tranh thủ đi tưới cà phê ngay. Mai mốt tưới xong, chúng tôi lại tiếp tục làm cành, làm cỏ. Những ngày tháng Giêng phải tranh thủ làm để nay mai vào mùa mưa còn tập trung cạo mủ cao su”.

Không đợi sau Tết mới đi làm, cả mùa Tết, hầu như ngày nào gia đình chị Y Loát ở thôn Plei Sar, xã Ia Chim cũng có mặt tại vườn chuối để kiểm tra hệ thống tưới. Chị Loát nói rằng, đây là năm đầu tiên thử nghiệm trồng giống mới nên chị dành nhiều thời gian, công sức để chăm bẵm.

“Không riêng mình đâu, bà con trong làng ai cũng đi thăm ruộng, thăm rẫy cả. Ăn Tết, chơi Tết nhưng có giới hạn, phải bắt tay vào làm việc nữa. Mình cố gắng chăm sóc, cây trồng phát triển tốt để có thêm nguồn thu cho gia đình” - chị Y Loát phấn khởi chia sẻ.

Chuyển đổi từ trồng cao su sang dưa hấu, bí đỏ, trong những ngày Tết, anh Lê Xuân Đào ở thôn Ia Hội, xã Đăk Năng vẫn túc trực chăm sóc, kiểm tra hệ thống nước tưới. Anh cho biết, với những giống mới, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nên muốn thành công, anh phải dành thời gian nhiều để thực hiện. Hiện tại, sau khi xuống giống, anh đang tích cực chăm sóc với hy vọng đạt năng suất cao.

Tất bật với công việc ngày đầu năm. Ảnh: HT

 

Không chỉ tấp nập ở cánh đồng, vào làng nghề Hnor, phường Nguyễn Trãi, không khí làm việc cũng tất bật, rộn ràng không kém. Từ xa xa, tiếng máy cưa, máy xẻ rộn rã. Qua quan sát, hầu hết các cơ sở đã mở cửa, bắt tay vào sản xuất. Cô Lê Thị Tư - một trong những hộ sản xuất tại làng nghề nói rằng, dù tháng Giêng lượng hàng gia công không nhiều, tuy nhiên cơ sở của cô vẫn tập trung làm các mặt hàng để bày bán. 

Tại Khu công nghiệp Hòa Bình, hầu hết doanh nghiệp, xí nghiệp đã đi vào hoạt động với khí thế thi đua lao động, sản xuất sôi nổi. Xí nghiệp May Kon Tum (thuộc Tổng Công ty May Nhà Bè), từ ngày 11 tháng Giêng (tức 22/2) đã đi vào hoạt động ổn định với gần 100% công nhân đi làm. Nữ công nhân Nguyễn Thị Hà cho biết đã đi làm chuyên cần ngay khi xí nghiệp hoạt động trở lại.

“Ngay từ những ngày đầu năm, cũng như nhiều công nhân khác, mình luôn nỗ lực làm việc để hoàn thành nhiệm vụ đồng thời sẵn sàng tăng ca để có thêm thu nhập”- chị Hà chia sẻ.

Thành công khởi đầu từ tinh thần hăng say lao động. Tin rằng, sự nỗ lực, chăm chỉ làm việc, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ đem lại những thắng lợi mới cho doanh nghiệp và nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác