Hạn hán ảnh hưởng đến đời sống người dân

15/05/2020 06:10

Do ảnh hưởng của hạn hán, hơn 1.000 héc ta hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Không những thế hạn hán còn khiến cho hơn 1.400 giếng nước khô cạn, ảnh hưởng đến hơn 2.000 hộ dân trên toàn tỉnh.

Năm nay nắng nóng kéo dài và gay gắt hơn. Nắng nóng khiến hàng trăm ha cây trồng vàng héo, những cánh đồng thiếu nước nứt nẻ. Nhiều hồ đập trong tình trạng khô cạn, trơ đáy…

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 héc ta cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Trong đó diện tích lúa bị ảnh hưởng là 374 héc ta, cây công nghiệp là 636 héc ta.

Cũng do hạn hán, toàn tỉnh có 1.641 giếng bị khô cạn gây ảnh hưởng trực tiếp 2.094 hộ dân. Trong đó, thành phố Kon Tum có 566 giếng gây ảnh hưởng cho 721 hộ; huyện Sa Thầy có 314 giếng gây ảnh hưởng cho 345 hộ; huyện Ia H'Drai có 737 giếng bị khô, thiếu nước gây ảnh hưởng cho 944 hộ.

Người dân tự đào tìm nguồn nước để cứu cây trồng. Ảnh: PN

 

Ngồi nhìn vườn cà phê hơn 3 héc ta héo rũ vì thiếu nước tưới, ông Bùi Tiến Viên (57 tuổi, trú tại tổ 4 phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) cho biết: Năm nay ít mưa  và mưa muộn hơn mọi năm. Năm trước, thời điểm này đã có nhiều trận mưa nên không phải lo nguồn nước tưới cho cà phê nhưng năm nay thì khác. Nếu như các năm trước gia đình ông chỉ phải tưới 3 đợt là có mưa rồi nhưng năm nay, gia đình ông phải tưới đợt thứ 5 mà vẫn chưa có mưa. Vì vậy, hơn 3.000 gốc cà phê bị héo rũ.

“Sông suối thì cạn rộc, giếng nước sinh hoạt của gia đình cũng gần hết rồi nên chúng tôi cũng chưa biết tìm nguồn nước ở đâu để tưới cho cà phê.” – ông Viên than thở.

Dù đã bỏ nhiều chi phí tưới thêm 2 đợt để cứu cà phê nhưng theo ông Viên, sản lượng cà phê  năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu như các năm trước vườn cà phê của ông cho thu khoảng 20 tấn cà tươi thì năm nay ước chỉ còn khoảng 10 tấn.

Sông suối khô cạn khiến cây trồng khô héo. Ảnh: PN

 

Đến thời điểm hiện tại, nông dân trên toàn tỉnh đã trồng được hàng chục nghìn héc ta  mì của niên vụ này. Tuy nhiên do nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích mì bị chết buộc người dân phải trồng lại. Đây cũng là diện tích được bà con xuống giống sau vài trận mưa dông vào đầu tháng 4.

Ông Lê Hoài Thì-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) cho biết: Sau khi có cơn mưa thứ 2 đầu mùa, nghĩ là đã đến mùa mưa nên bà con xuống giống mì. Thế nhưng nắng hạn tiếp tục kéo dài nên diện tích mì của bà con bị khô hạn và chết dần. Có những hộ mất trắng không còn giống để tiếp tục trồng trong vụ này.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến cây trồng, hạn hán đang đe dọa đời sống người dân trên địa bàn tỉnh bởi tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trao đổi với chúng tôi, bà Y Đây (50 tuổi, trú làng Ngo, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) cho biết, do ảnh hưởng của hạn hán nên gia đình bà và nhiều người khác trong làng đang thiếu nước ăn uống, sinh hoạt nghiêm trọng. Tình trạng này bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 3, khi hạn hán lên đến đỉnh điểm. Mặc dù gia đình bà đã cố gắng nạo vét giếng nhưng vẫn không tìm được nước. Để tìm nước uống, 6 giờ sáng mỗi ngày, bà Đây cùng dân làng phải ra giọt nước cách làng hơn 3km để gùi nước đem về sử dụng.

Người dân phải đi lấy nước ở giọt nước về sinh hoạt. Ảnh: PN

 

Tương tự, tại huyện Ia H’Drai tình trạng hạn hán kéo dài cũng đang khiến nguồn nước sinh hoạt nơi đây trở nên khan hiếm. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 707 giếng nước bị khô hạn gây ảnh hưởng tới 937 hộ gia đình. Hiện tại các điểm dân cư trên địa bàn đều xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài thì số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất sẽ tăng hơn nữa.

Gia đình anh Phạm Văn Chương mới chuyển về thôn 2, xã Ia Dom sinh sống được vài năm. Để ổn định cuộc sống nơi ở mới, gia đình anh đã đầu tư hơn 40 triệu đồng khoan giếng. Tuy nhiên, nguồn nước từ giếng khoan của gia đình anh bị nhiễm phèn. Dù biết nguồn nước nhiễm phèn, nhưng gia đình anh vẫn phải sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày.

“Nước giếng mới bơm lên có màu vàng, gia đình tôi phải để qua đêm rồi mới dùng để tắm giặt. Còn nguồn nước ăn, uống gia đình tôi phải mua nước bình loại 20 lít. Biết là tốn kém nhưng nguồn nước giếng nhiễm phèn gia đình không dám sử dụng”, anh Chương nói.

Chị Ksor Sem (trú tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) cho biết: Những hộ gia đình khác có điều kiện thì mua nước bình, nước đóng chai về ăn uống. Nhà mình nghèo, đành phải dùng nước suối thôi. Không biết nước sạch hay bẩn nhưng vẫn phải sử dụng vì chẳng còn cách nào khác.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch của người dân, huyện Ia H’Drai đã đầu tư, xây dựng nhà máy nước sạch với tổng vốn dự toán trên 97 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Nhà máy này khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo lưu lượng 2.500m3 nước/ngày. Dự kiến đến cuối năm 2020 nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Đến nay, chính quyền địa phương và các hộ dân trên địa bàn đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của hạn hán như đào giếng, khoan tìm nguồn nước để cứu cây trồng và ổn định cuộc sống…

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác