Hạ tầng đô thị ngày càng phát triển

08/11/2023 13:20

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và đầu tư hạ tầng phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt đô thị, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 8 đô thị đã được công nhận. Trong đó, có 1 đô thị loại II là thành phố Kon Tum; 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần mở rộng thuộc huyện Ngọc Hồi); 6 đô thị loại V là thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei),  thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô), thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) và thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 trung tâm huyện (đô thị mới) bao gồm: Trung tâm huyện Tu Mơ Rông; trung tâm huyện Ia H’Drai; trung tâm huyện Kon Rẫy (khu vực xã Đăk Ruồng - Tân Lập thuộc huyện Kon Rẫy) đang đầu tư xây dựng để từng bước đạt các tiêu chí đô thị theo quy định.

Đô thị trung tâm thành phố Kon Tum ngày càng phát triển. Ảnh: PN

 

Theo ông Nguyễn Quang Hải- Giám đốc Sở Xây dựng, việc phát triển đô thị cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, dân cư giữa các vùng, khu vực đô thị và nông thôn theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quỹ đất xây dựng được bố trí phù hợp và sử dụng hiệu quả hơn; đặc biệt cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội được quan tâm đầu tư, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với cải tạo và xây dựng mới các đô thị. Việc hình thành, phát triển hệ thống đô thị được thực hiện đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam và Quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,26%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 0,60 %; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 13,22%. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 7,28 m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 23,01 m2/người. 100% các đô thị có quy hoạch chung; quy hoạch phân khu đạt khoảng 26%.

Là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, những năm qua diện mạo đô thị thành phố Kon Tum ngày càng khang trang với nhiều dự án, khu đô thị mới được đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Ngoài các dự án của Trung ương, của tỉnh, thành phố đã dành hơn 40% vốn đầu tư công cho lĩnh vực này. Cụ thể, tổng vốn đầu tư công ngân sách thành phố thực hiện đầu tư trong hai năm 2021-2022 là hơn 580 tỷ đồng, trong đó, đã bố trí hơn 247 tỷ đồng để đầu tư mới 45 công trình giao thông, thoát nước, chiếm 42,6% trên tổng vốn đầu tư công trên địa bàn, nhờ đó, hạ tầng giao thông của đô thị phát triển vượt bậc.

Với khát vọng vươn lên, thành phố Kon Tum đang tập trung xây dựng đô thị phát triển hài hòa, đồng bộ, để xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, thành phố Kon Tum tập trung xây dựng phát triển hạ tầng; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện Khu đô thị phía Bắc phường Duy Tân; Khu dân cư đô thị phường Ngô Mây; dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu đô thị mới tại khu vực sân bay cũ (thuộc phường Thắng Lợi). Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ và cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trung tâm thương mại kết hợp nhà phố, các khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng ven trục quốc lộ, tỉnh lộ, ven sông Đăk Bla để xây dựng đô thị trung tâm của tỉnh đẹp, văn mình và hiện đại.

Trung tâm thị trấn Măng Đen đổi thay. Ảnh: PN

 

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, bên cạnh việc hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh có sự phát triển nhanh thì công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đạt thấp; một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Việc triển khai lập, thực hiện giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng bộ, thống nhất. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hoàn thiện.

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 11 đô thị; trong đó, có 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 3 đô thị loại IV (huyện Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà), 7 đô thị loại V (gồm 4 đô thị hiện hữu là thị trấn Đăk Rve, thị trấn Măng Đen, thị trấn Sa Thầy, thị trấn Đăk Glei và thành lập mới 3 đô thị tại trung tâm các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai) rất cần sự vào cuộc nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; xác định lộ trình, kế hoạch, nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các đô thị và cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện có; đồng thời, hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị để phục vụ tốt hơn cho người dân đô thị.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác