Góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn

10/10/2020 06:01

Trọng tâm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Theo đó, năm 2017, tỉnh đã xây dựng Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, nông nghiệp, dược liệu như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, rau, hoa xứ lạnh, sâm Ngọc linh... đang được hình thành, nhiều nông trại hữu cơ và đi vào sản xuất - hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, cà phê được tỉnh triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh được áp dụng trên địa bàn 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông bước đầu đã có kết quả, hình thành vùng chuyên canh cà phê chè – hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê chè đặc sản mang thương hiệu Măng Đen và cà phê Đăk Hà.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm từ khi triển khai đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Bởi chính điều này đã kích thích được sự tìm tòi, khai thác tiềm năng của từng địa phương dựa trên lợi thế cạnh tranh, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho người dân và doanh nghiệp tham gia, tạo ra chuỗi giá trị từ những sản phẩm sản xuất ra ở mỗi địa phương dựa trên cơ sở liên kết sản xuất. Có 6 nhóm sản phẩm bao gồm: thực phẩm; đồ uống; dược liệu; thủ công mỹ nghệ; lưu niệm-nội thất-trang trí; dịch vụ du lịch được các tổ chức, cá nhân đăng ký. Mỗi sản phẩm mang một dấu ấn địa phương, lấy thị trường là tín hiệu, để dẫn dắt sản xuất.

Cà phê xứ lạnh Măng Đen. Ảnh: D.L

 

Bước đầu đã có một số sản phẩm được thống kê, như: Nấm ăn và nấm dược liệu Hợp tác xã Quyết Thắng, xã Đăk Xú (Ngọc Hồi); Rau VietGap THT sản xuất rau 1/5 (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum); Lúa gạo (HTX Đoàn Kết, thành phố Kon Tum); Trái cây VietGAP (thanh long ruột đỏ, ổi, lê Đài Loan của HTX Thần Nông xã Ia Chim, thành phố Kon Tum); Gà dược liệu hữu cơ HTX đồng hành cùng nhà nông Hoàng Bách của Huỳnh Thanh Tú (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum); Gạo đỏ của Tổ hợp tác (xã Măng Bút, huyện Kon Plông); Lúa thơm Đăk La (Tổ hợp tác thôn 2 xã Đăk La, huyện Đăk Hà); Măng le Đăk Pxi (hộ tư nhân Đỗ Văn Thái, thôn 13, xã Đăk Pxi, Đăk Hà); Heo rừng nuôi (HTX Tiến Đạt, thôn 4, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô); Thịt heo làng đóng gói (hộ tư nhân Lê Thị Ngọc, thôn Tê Rông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô); Cá khô lòng hồ thủy điện Sê San (hộ tư nhân Phạm Ngọc Tín, thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai); Rượu Linh chi HTX Khởi nghiệp Ba Biên (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi); Rượu ghè men lá (Tổ hợp tác thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi); Cà phê bột No Ni (hộ tư nhân Đỗ Văn Phương, thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà; Sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ (Tổ hợp tác đan lát, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà); Đảng Sâm (Tổ hợp tác Phụ nữ xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông)…

Các sản phẩm này mang đậm nét văn hóa từng địa phương, góp phần phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống đang bị mai một; khơi dậy niềm tự hào của người dân mỗi vùng quê giúp họ tự tin, sáng tạo, yêu quê hương và bước đầu tạo ra nhiều việc làm cho khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện (2017 - 2020) sự chuyển biến phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh chưa cao. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng theo đánh giá của các nhà quản lý và các chuyên gia thì  do một số nguyên nhân cơ bản như việc xác định sản phẩm lợi thế (trong từng lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, và cả dịch vụ), cũng như công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ cao; mô hình sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, hợp tác xã) còn hạn chế cả số lượng và chất lượng; tỷ lệ lao động qua đào tạo (theo sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động khu vực nông thôn còn thấp; công tác quản lý nhà nước còn yếu về định hướng, quy hoạch sản xuất, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường, chất lượng đội ngũ cán bộ... Thêm vào đó, các chương trình, dự án hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ bên ngoài thiếu sự liên kết giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân, chưa tận dụng hết tài nguyên trong khu vực (nguyên liệu, lao động, văn hóa,.), người dân chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế...

Tỉnh xác định, tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp cần quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Chương trình OCOP của tỉnh phải đưa vào Nghị quyết hành động của cấp ủy; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện lâu dài và thường xuyên. Bên cạnh đó, phải nhận diện được tiềm năng lợi thế của từng địa phương, vùng miền, công tác xúc tiến thương mại phải được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Xúc tiến thương mại được tham gia từ khâu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Việc xác định đúng vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, trong chu trình phát triển các sản phẩm OCOP, sẽ giúp các địa phương triển khai chương trình ngày càng có hiệu quả.      

Dương Lê

Chuyên mục khác