“Gỡ vướng” giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình

13/12/2023 13:33

Nhiều công trình dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh thi công cầm chừng, thậm chí không thể thi công, bởi nguyên nhân không có mặt bằng. Đây cũng là “nút thắt” khiến nhiều dự án chậm tiến độ, từ đó dẫn đến không có khối lượng để giải ngân nguồn vốn đầu tư.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc vướng mắc trong giải phóng mặt bằng không phải là nguyên nhân chủ quan của các chủ đầu tư, mà nguyên nhân chính là từ các huyện, thành phố (đơn vị được giao thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng) không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai dự án. Khi các địa phương không giao mặt bằng, chủ đầu tư không thể tiến hành đo đạc, xác định giá bồi thường để giải phóng mặt bằng theo quy định.

Điều đáng nói là dù UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể, thế nhưng đến nay, đã gần hết năm 2023, vẫn chưa địa phương nào của tỉnh ban hành được giá đất. Chính điều này đã khiến các địa phương không thể bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công Tỉnh lộ 675. Ảnh: PN

 

Vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là tình trạng chung của hầu hết các dự án có thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay. Đặc biệt là các dự án này đều có quy mô thu hồi đất lớn, đối tượng phải thu hồi đất nhiều, tính chất phức tạp (như Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở số hộ bị ảnh hưởng 229 hộ/18,27ha; Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum là 412 hộ và 03 tổ chức/128,2ha; Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 là 481 hộ và 14 tổ chức/123ha).

Đơn cử như Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum có tổng chiều dài gần 20km, trong đó có 11km phải đền bù giải phóng mặt bằng. Thế nhưng theo chủ đầu tư dự án, cho đến nay, đơn vị này mới nhận mặt bằng được 2,5/11km. Không có mặt bằng, nên các nhà thầu không thể triển khai máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện, đối với dự án này, các nhà thầu cũng chỉ tranh thủ làm tại những đoạn đã có mặt bằng và triển khai những phần việc có thể làm trước như đúc tấm đanh, làm mố cầu, đúc dầm. Theo các nhà thầu thi công, do không có mặt bằng nên họ chỉ huy động một số ít cán bộ, kỹ sư, công nhân làm theo kiểu cầm chừng, còn lại phải tạm cho công nhân nghỉ. Không có mặt bằng dẫn đến tiến độ thi công chậm so với hợp đồng, theo quy định thì có thể bị phạt vì vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, đây lại không phải do lỗi chủ quan của các đơn vị mà nguyên nhân do chính quyền địa phương chưa bàn giao mặt bằng và điều đó đồng nghĩa với việc không thể triển khai huy động máy móc, nhân vật lực để thi công.

Hay như Dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly, huyện Sa Thầy; Dự án nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 – Km52, cũng gặp khó trong quá trình triển khai. Hai dự án này do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư cũng không thể triển khai thi công vì chưa có mặt bằng. Vì vướng mắc này mà Sở Giao thông Vận tải phải trả nguồn vốn đã bố trí trong năm 2023.

Tương tự, tại Dự án đường Trường Chinh (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Đào Duy Từ - phạm vi cầu nối qua sông Đăk Bla) thì đến nay, một số đoạn trên tuyến (đoạn từ đường Trần Phú - đến Nguyễn Viết Xuân) chưa triển khai thi công được, bởi đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. UBND thành phố Kon Tum đã giao Thanh tra thành phố Kon Tum tiến hành thanh tra, xác minh nguồn gốc đất, quá trình quản lý, sử dụng đất, phạm vi, ranh giới đất để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân về chính sách, chủ trương, pháp luật của nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công dự án theo tiến độ đề ra.

Nhà thầu thi công tranh thủ làm phần việc đúc dầm cầu. Ảnh: PN

 

Ngoài ra, để giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 2615/UBND-NNTN ngày 14/8/2023 chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với UBND thành phố Kon Tum và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khẩn trương giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Ngoài những dự án vướng giải phóng mặt bằng thì trên địa bàn có một số dự án còn vướng đến rừng, đất rừng khiến việc triển khai thi công cũng gặp khó khăn. Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng và Dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư có chiều dài 8 km, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Riêng đối với Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676  còn vướng mắc trong công tác di dời lưới điện phục vụ giải phóng mặt bằng.

Hơn lúc nào hết, để các dự án được triển khai, các chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công rất mong chính quyền địa phương, đơn vị chức năng, sớm giải quyết những vướng mắc đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch triển khai thi công công trình hoàn thành đúng hạn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn.                                

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác