“Gỡ khó” trong lập kế hoạch sử dụng đất

27/11/2023 06:08

Nhiều năm qua, việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chậm trễ, ảnh hưởng lớn đến việc kêu gọi đầu tư và quyền lợi người dân. Việc tháo gỡ khó khăn, lập kế hoạch sử đúng đất đúng hạn là rất cần thiết.

Chậm… đồng loạt

Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là một nội dung quản lý nhà nước về đất đai; làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất trong năm của các ngành, lĩnh vực, của các cấp.

Việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn đảm bảo tính phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực; khắc phục sự bị động, lãng phí trong giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

Theo Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp huyện là tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhằm đảm bảo tính phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực. Ảnh: HL

 

Nghị định số 43/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) quy định, hằng năm, vào quý III, UBND cấp huyện phải tiến hành lập kế hoạch sử dụng đất và  gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất của năm sau đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định. Đây là quy định tại khoản 4, điều 9.

Căn cứ hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được hoàn thiện và Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp tỉnh phê duyệt  trước ngày 31/12.

Quy định là thế, nhưng trên thực tế, việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng chậm… đồng loạt những năm qua.

Như năm 2022, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương được hoàn thành phê duyệt vào tháng 6/2022- một báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Năm 2023, đến hết tháng 5, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 10 huyện, thành phố. Trong đó, có 3 huyện được phê duyệt trong tháng 3, và 7 huyện, thành phố phê duyệt trong tháng 5.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó nổi lên là có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt là dẫn đến vướng mắc trong giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, kéo theo dự án đầu tư chậm khởi công, triển khai thực hiện, không giải ngân được vốn.

Làm gì để “gỡ khó”

Nhận trách nhiệm về việc để tình trạng chậm trễ trong lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm kéo dài, nhưng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, UBND các huyện, thành phố cũng có “lỗi” khi chậm hoàn thiện hồ sơ dự án gửi về Sở để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Dù công tác lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo từ quý III/2022. Ngành chức năng cũng thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và thẩm định xong kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 10/10 huyện, thành phố từ cuối tháng 12/2022. Nhưng UBND các huyện, thành phố chậm hoàn thành việc tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định, dẫn tới việc trình UBND tỉnh phê duyệt bị chậm.

Kế hoạch sử dụng đất hàng năm khắc phục sự lãng phí trong giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Ảnh: HL

 

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác lập kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình nên thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo.

Trình độ, năng lực của các đơn vị nhận thầu lập kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn tới sai sót, chậm trễ thời gian.

Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và xem xét nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Xác định giải pháp cần thiết để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chậm trễ trong lập, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành phố, từ đó thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.

Trước mắt là quyết tâm chấm dứt tình trạng trên trong việc lập, trình duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024, rồi đến các năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, khi lập dự toán ngân sách hàng năm, UBND các huyện, thành phố cần chủ động bố trí kinh phí hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền bố trí kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.

Thứ hai, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm sau, lựa chọn đơn vị nhận thầu lập kế hoạch sử dụng đất phải thật sự có năng lực, đủ sức hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết. Gửi hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trong quý 3, làm cơ sở trình HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất và trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31/12.

Thứ ba, HĐND tỉnh thống nhất việc thông qua danh mục các dự án thu hồi đất. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Về lập kế hoạch sử dụng đất năm 2024, đến nay, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 10/10 huyện, thành phố; các địa phương đang chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ.

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Danh mục các dự án cần thu hồi đất năm 2024, UBND tỉnh sẽ phê duyệt các kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Như vậy, sau nhiều năm, tin rằng tình trạng chậm trễ trong lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện sẽ được khắc phục.

Hồng Lam

Chuyên mục khác