Gỡ khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở Ia H'Drai: "Không sai luật, lại lợi cho dân thì làm thôi"

20/05/2018 07:41

​Đất của mình được giao, đã ở ổn định nhiều năm thì làm giấy tờ cũng dễ- rất nhiều hộ gia đình ở huyện Ia H'Drai đã nghĩ như vậy. Nhưng thực tế lại không hề dễ như họ vẫn nghĩ. May thay, hay đúng hơn là kịp thời thay, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc tháo gỡ những rào cản để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận...

Rắc rối chuyện nguồn gốc đất

Trong chuyến công tác ở huyện Ia H'Drai vào đầu tháng 3 năm nay, tôi gặp anh Vi Văn H- một người dân tộc Thái ở tỉnh Thanh Hóa vào xã Ia Dom lập nghiệp đã gần 10 năm. Anh đã bỏ một buổi làm để lên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện hỏi về việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau đó, tôi được anh mời về nhà chơi. Căn nhà gỗ ọp ẹp của gia đình anh cất sát rừng cao su, khoảnh đất men theo bờ lô được anh phát dọn sạch sẽ để trồng bắp. Hàng ngày, vợ chồng anh chăm sóc 7ha cao su nhận khoán của doanh nghiệp, thời gian rảnh rỗi thì trồng thêm đám bắp để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Rất khó xác minh nguồn gốc, diện tích đất của những hộ gia đình được doanh nghiệp giao đất. Ảnh: T.H

 

Trò chuyện hồi lâu, anh mới ngập ngừng kể rằng, cũng như nhiều gia đình công nhân khác, sau khi vào đến quê mới, anh được doanh nghiệp chia cho một miếng đất để cất căn nhà tạm. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả ngày đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn nên vợ chồng anh cũng không để ý đến chuyện thủ tục giấy tờ.

Bây giờ nghe mấy nhà hàng xóm rủ đi làm giấy tờ đất để thế chấp, vay vốn làm ăn, em mới nghĩ: Ừ nhỉ, phải làm thôi, nếu không thành ra ở nhờ, sau này muốn cho con cháu thì sao, đó là chưa kể ai biết có bị đòi lại đất hay không? Với lại, tâm lý chung của người mình thì anh biết rồi, cứ phải có bìa đỏ cất trong nhà mới yên tâm được- anh H. cười hiền.

Đó cũng là nhu cầu chính đáng thôi mà- tôi động viên. Anh H. bẻ đốt ngón tay lắc cắc rồi lúc lắc đầu: Đúng là thế đấy, ở xã, ở huyện cũng nói như vậy, em thì nghĩ đất mình được giao, đã ở ổn định cả gần chục năm nay thì làm cũng dễ. Nhưng hóa ra lại rắc rối lắm anh ạ. Đi đi lại lại mấy lần, nhưng đến nay vẫn chưa được việc, bởi vướng đủ thứ, nhất là chuyện xác định nguồn gốc đất...

Tìm hiểu kỹ hơn thì biết, không chỉ gia đình anh H. mà rất nhiều hộ gia đình ở huyện Ia H'Drai gặp phải tình trạng trên. Tiếng là được phân đất làm nhà, nhưng trên thực tế vẫn là "ở nhờ" trên đất của doanh  nghiệp (bởi doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận), khi giao - nhận đất giữa 2 bên chỉ là giao miệng. Sau thời gian, diện tích có biến động nhiều, bởi hầu hết gia đình đều có mở rộng, khai hoang thêm.

Bên cạnh đó, về người sử dụng cũng đã có biến động không ít. Do một số người đã bỏ về quê, sang nhượng lại nhà đất, cũng là viết tay thôi, nên bây giờ càng khó xác minh hơn- anh Trần Xuân Đức Huy, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia H'Drai nói.  

"Không sai luật, lại lợi cho dân thì làm thôi"

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (đầu tháng 3/2018), ông Nguyễn Văn Lộc- Chủ tịch UBND huyện đã thẳng thắn nhìn nhận, địa phương đang gặp khó khăn ở việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân.

Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, dù đã rất nỗ lực, nhưng đến hết tháng 2/2018, toàn huyện chỉ cấp được 341 giấy chứng nhận, trong đó có 334 trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất; 5 trường hợp giao đất, 2 trường hợp công nhận quyền sử dụng đất.

Người dân xây nhà kiên cố ngay khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh chuyện đội ngũ cán bộ chuyên môn ở xã, huyện còn thiếu, lại hạn chế về năng lực nghiệp vụ, thì rắc rối chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất đai. Trên thực tế, đất đai của các hộ gia đình đang sử dụng đều được các doanh nghiệp giao bằng miệng, nên quá trình sử dụng có biến động nhiều, khi thực hiện cấp giấy chứng nhận thì vướng vì khó xác định đúng nguồn gốc, diện tích- Chủ tịch Lộc cho biết.

"Không thể để tình trạng kéo dài mãi, chịu thiệt thòi sẽ là người dân" là ý kiến chung của ngành chức năng và chính quyền địa phương tại buổi làm việc. Nhưng giải quyết bài toán này như thế nào đây?

Hàng loạt giải pháp đã được nêu ra, được bàn thảo. Tôi đặc biệt ấn tượng với câu nói của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường- Phạm Đức Hạnh khi "chốt" phương án tháo gỡ: Không sai luật, lại lợi cho dân thì làm thôi.

Theo đó, sẽ tiếp nhận và xem xét tất cả các trường hợp người dân có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho người dân, khắc phục ngay tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần. Về những vướng mắc chủ quan, sẽ tháo gỡ theo hướng đất sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận.

Chủ tịch Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh: Tất cả những hộ gia đình sử dụng đất ổn định trước ngày 1/7/2014 sẽ được xem xét hợp thức hóa, tất nhiên là với điều kiện phải phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp. Không thể để xảy ra chuyện đất quy hoạch xây bệnh viện, trường học, người ta "nhảy" vào dựng nhà ở nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận, sau này lại rắc rối chuyện đền bù, giải tỏa... 

 Bẵng đi 2 tháng sau buổi làm việc ấy, tôi mới trở lại Ia H'Drai. Phó Giám đốc Chi nhánh Trần Xuân Đức Huy phấn khởi thông báo, tính đến ngày 10/5, toàn huyện đã cấp được 851 giấy chứng nhận, như vậy là chỉ sau 2 tháng đã tăng hơn gấp đôi so với mấy năm trước cộng lại.

 Lên thăm anh Vi Văn H., anh cho hay đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mấy gia đình ở xóm anh cũng vậy. Khỏi phải nói anh H. vui như thế nào. Vợ chồng anh tính sẽ dùng "bìa đỏ" thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển chăn nuôi. Mấy nhà hàng xóm thì đã xây nhà kiên cố ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận.

Mừng cho anh và những hộ dân huyện Ia H'Drai đã được nhận "bìa đỏ" như anh.

Thành Hưng

 

Chuyên mục khác