Giúp người nghèo chủ động xóa nghèo bền vững

14/01/2015 08:34

Năm 2014, Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP tỉnh (gọi tắt dự án PRPP) do chương trình phát triển Liên hợp quốc và Cộng hòa Ailen đồng tài trợ nhằm giúp một số địa phương thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 60 hộ nghèo tại thị trấn Đăk Rve (Kon Rẫy) và xã Sa Bình (Sa Thầy) tham gia mô hình “chăn nuôi bò sinh sản qua hình thức cho vay vốn luân chuyển” đã được tuyên truyền nâng cao ý thức về chủ động xóa nghèo và nguồn vốn hỗ trợ đang phát huy hiệu quả.

Cấp xã làm chủ dự án

Theo Ban quản lý dự án PRPP, mục tiêu của dự án không chỉ giúp hộ nghèo nâng cao ý thức làm chủ kinh tế gia đình, mà còn giao cho chính quyền và Ban giảm nghèo cấp xã làm chủ các hợp phần của dự án về hoạch định chính sách lồng ghép xóa nghèo bền vững tại địa phương.

Để làm được điều này, tháng 6/2014, Ban quản lý dự án (BQL DA) tỉnh đã phối hợp Ban chỉ đạo giảm nghèo 2 huyện Kon Rẫy và Sa Thầy hỗ trợ kinh phí và định hướng cho Ban giảm nghèo thị trấn Đăk Rve và xã Sa Bình chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo thông qua mô hình “chăn nuôi bò sinh sản qua hình thức cho vay vốn luân chuyển” với định mức hỗ trợ 1 con bò sinh sản và trồng cỏ cao sản 3 sào/hộ với tổng số 30 hộ nghèo/địa phương tham gia. Điều kiện đặt ra, hộ nghèo đăng ký thực hiện mô hình phải tuân thủ quy trình tập huấn, giám sát, kiểm tra định kỳ hàng tuần theo quy định và có chuồng chăn nuôi, đất nông nghiệp, nguồn vốn đối ứng tương đương nhằm đảm bảo bò sinh sản mua về có sức khỏe, cho phát triển tốt, sau 3 năm trả nguồn vốn gốc (không tính lãi). UBND xã sẽ là chủ nguồn vốn này để luân chuyển cho hộ nghèo khác.

Sau khi có được danh sách các hộ tham gia, ở cấp xã, thôn tổ chức các đợt tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ cao sản; cũng như hướng dẫn cách dựng chuồng và phương thức chăm sóc gia súc. BQL cấp tỉnh tiến hành giải ngân nguồn vốn, các hộ nghèo chủ động tự chọn mua 1 con bò sinh sản (dưới sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của Ban giảm nghèo cấp xã). Theo quy định, hàng tuần, thành viên BQL DA và Ban giảm nghèo các cấp tổ chức công tác kiểm tra, theo dõi, họp rút kinh nghiệm và kiên quyết yêu cầu các hộ chưa tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi, hay trồng cỏ cao sản chưa đạt quy cách (chiều cao 25 – 35 cm trở lên) phải thực hiện bằng được các bước kế hoạch đề ra. Nhờ đó, tiến độ thực hiện đúng thời gian quy định và các hộ tham gia mô hình đang bắt đầu thấy được hiệu quả tích cực.

 

Chủ động thoát nghèo

Ông A Đeoh (thôn 8, xã Sa Bình, Sa Thầy), một hộ nghèo tham gia mô hình tâm sự: Gia đình có 2 con trai đã lập gia đình, nhưng không có nhiều đất để chia cho các con, nên đại gia đình có đến 10 nhân khẩu. Hàng ngày, mọi người đều đi làm rẫy trên 1 ha bời lời, 1 ha cao su – nhưng vẫn không đủ ăn; 10 năm qua, gia đình vẫn chưa thoát khỏi diện nghèo.

Tháng 6/2014, ông A Giang – Trưởng thôn 8 đã chủ trì buổi họp dân thông tin về mô hình chăn nuôi bò và trồng cỏ thuộc dự án PRPP, vợ chồng A Đeoh đã chủ động đăng ký tham gia. Ông cho biết, sau gần 2 tháng được tập huấn, hướng dẫn các quy trình liên quan và hỗ trợ vốn vay, gia đình đã có 1 con bò mẹ. Một ngày trong tuần không cố định, nhà A Đeoh luôn có cán bộ của xã, hoặc huyện về thăm, kiểm tra quá trình phát triển của vườn cỏ, con bò đã được đầu tư. Không dừng ở đó, các cán bộ còn hướng dẫn cách thức tận dụng phân bò để ủ rơm làm phân bón cho rẫy cao su, vườn cây ăn quả, rau màu được trồng quanh nhà.

Theo ông A Đeoh, nhờ sự giúp đỡ của dự án, gia đình anh đã có được 2 con bò; trong vườn nhà luôn có rau xanh cải thiện bữa ăn; vườn cao su không còn phải chịu cảnh thiếu phân bón như trước (do không có tiền để đầu tư)…Hiện tại, vợ chồng ông đang dự định thu hoạch bời lời để trả 10 triệu đồng vay vốn trước thời hạn và mong muốn đàn bò thuộc hẳn tài sản gia đình để chủ động sản xuất, sớm thoát nghèo. 

A Đeoh- hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản từ dự án PRPP. Ảnh: M.T

     

Ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết: Ban đầu triển khai mô hình về cơ sở, chúng tôi gặp không ít khó khăn, nguyên do quy trình chọn hộ nghèo, cách thức thực hiện, kiểm tra của BQL DA đặt ra quá khá khắt khe. Trong khi việc chăn thả gia súc của bà con chưa quen mô hình khép kín: có vườn cỏ, chuồng trại…Tuy nhiên, khi vào thực tế cùng tham gia các hoạt động liên quan đến mô hình, bản thân cán bộ địa phương và bà con đã được tư vấn, động viên, hướng dẫn nhiệt tình nên mọi e ngại, khó khăn dần được tháo gỡ. Đến nay, 30 hộ được giúp vốn mua 30 con bò mẹ đã phát triển thành 35 con; thậm chí có 3 hộ nghèo mong muốn trả lại vốn vay trước hạn để chuyển tiếp các hộ nghèo khác.

“Theo tôi, đây là tín hiệu khả quan mà dự án PRPP mang lại. Tôi tâm đắc nhất là, qua công tác tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia, tư vấn viên của QBL DA PRPP của Trung ương, tỉnh - bà con đã dần có ý thức vươn lên, muốn làm chủ trong việc tính toán đầu tư sản xuất hiệu quả” - ông Thuận chia sẻ.

 

Đề xuất nhân rộng mô hình

Theo báo cáo của BQL DA PRPP tỉnh, kết thúc năm 2014, dự án đã thực hiện 19 hoạt động liên quan như mở 2 đợt đối thoại chính sách, 5 lớp tập huấn, 6 hội thảo, 3 đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc và hướng dẫn các thủ tục vay vốn; xây dựng 2 mô hình/2 địa phương và luân chuyển nguồn vốn hỗ trợ cho 60 hộ nghèo tham gia trồng cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi bò sinh sản. Các hộ cùng thực hiện dự án đảm bảo tuân thủ quy trình tập huấn, kỹ thuật trồng cỏ, cũng như chăm sóc đàn gia súc. Đến nay, tổng đàn bò được hỗ trợ đã tăng gần 70 con.

Đặc biệt, mục tiêu của dự án là hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý và làm chủ dự án của chính quyền cơ sở có được thành công ban đầu. Đối với bà con, thông qua việc tiếp cận mới về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và được trao quyền làm chủ chọn con vật được nuôi đã khuyến khích, nâng cao ý thức chăm lo phát triển kinh tế, khao khát muốn xóa nghèo bền vững.

Từ thành công bước đầu, BQL DA PRPP cấp tỉnh đã tổ chức họp, thống nhất đề xuất UBND tỉnh trong năm 2015, tiếp tục phát huy yếu tố tích cực của mô hình và đề xuất tham mưu nhân rộng thực hiện dự án ở xã Đăk Ruồng (Kon Rẫy) và Ya Xiêr (Sa Thầy).

Mai Trâm

Chuyên mục khác