Giúp dân sống gần rừng tạo sinh kế, nâng cao đời sống

19/06/2019 06:06

Để góp phần giúp người dân sống gần rừng nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp với việc tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường trong phát triển sinh kế. Công tác này đang phát huy tác dụng ở nhiều địa phương.

Thực hiện chủ trương, chính sách dịch vụ môi trường rừng, trong những năm gần đây, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với việc tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng nhằm giúp dân phát triển sinh kế, nâng cao đời sống. Qua đó, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương có rừng.

Về dự hội nghị tuyên truyền kết hợp với tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kết hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức ở xã Đăk Rơ Ông (Tu Mơ Rông), chúng tôi nhận thấy người dân nâng cao dần nhận thức về công tác quản lý bảo vệ rừng và ý thức được việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để cải thiện đời sống.

Trao đổi với chúng tôi về lợi ích từ rừng mang lại, ông A Mét (thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông) khi được tập huấn đã tự tin khẳng định: Rừng bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, điều tiết, duy trì nguồn nước sinh hoạt; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; cung cấp củi, gỗ; hấp thụ và lưu giữ các-bon; hạn chế biến đổi khí hậu... Rừng rất quý!

Bổ sung thêm ý kiến về lợi ích từ rừng mang lại, chị Y Đinh, làng Kon Hia 3 trình bày những hiểu biết của mình một cách đơn giản, nhưng khá chuẩn xác: Rừng cung cấp nước cho dân làng sinh hoạt, làm ruộng, cho nhà máy phát điện, hạn chế lũ lụt, là nơi ở và sinh sản thú rừng, cung cấp khí oxy cho sự sống... Giữ rừng là giữ sự sống.

Người dân xã Đăk Rơ Ông thảo luận và đưa ra các giải pháp bảo vệ rừng. Ảnh: VN

 

Thông qua việc đưa ra vấn đề cho người dân thảo luận tại hội nghị, chúng tôi nhận thấy người dân ai cũng hiểu và nói lên được những lợi ích từ rừng mang lại. Gắn bó với rừng và thấy được vai trò của rừng với cuộc sống, từ nhiều năm nay, A Chim, làng Kon Hia 3 bảo vệ tốt 11,93 ha rừng UBND huyện Tu Mơ Rông giao.

“Được giao rừng, gia đình mình cũng như nhiều người dân nơi đây thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Nếu thấy lâm tặc hoặc người ngoài vào xâm hại rừng, mình báo với thôn, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn. Làm tốt công tác bảo vệ rừng, năm 2018, gia đình mình nhận hơn 10 triệu đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này đã giúp gia đình cải thiện đời sống và mua phân bón đầu tư sản xuất”-A Chim thật lòng chia sẻ.

Bảo vệ tốt 14 ha rừng được giao, A Quân, thôn Kon Hia 1 khoe: Năm 2018, gia đình nhận gần 10 triệu đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình trang trải một phần chi phí sinh hoạt, phần còn lại mua phân bón, trồng 700 cây cà phê để tạo sinh kế theo tập huấn từ năm trước.

Thảo luận quanh cách tạo sinh kế từ tiền dịch vụ môi trường rừng theo một số mô hình sản xuất do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nêu ra, ông A Sơn, thôn Kon Hia 1 cho rằng: Dùng tiền dịch vụ môi trường rừng mua phân bón lúa, bón cà phê hoặc thêm tiền mua bò nuôi là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế nhất vào thời điểm hiện nay và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Ý kiến A Sơn đưa ra được nhiều người thừa nhận.

Thấy được vai trò của rừng và tiền dịch vụ môi trường mang lại, người dân xã Đăk Rơ Ông tham gia hội nghị tuyên truyền kết hợp với việc tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đều hoan nghênh chính sách chi trả vụ môi trường rừng và đưa ra các giải pháp bảo vệ rừng.

“Muốn giữ rừng tốt, người dân chúng ta phải thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra rừng theo kế hoạch; không để kẻ xấu vào rừng khai thác gỗ, phát rừng làm rẫy; không chuyển đổi đất rừng. Mùa khô phải chủ động phòng cháy chữa cháy rừng thôi!”-A Mét (thôn Kon Hia 3) quả quyết.

Bà Mai Thị Luận- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: Để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, trong những năm qua, huyện giao đất giao rừng cho 115 hộ dân của xã Đăk Rơ Ông quản lý, bảo vệ trên 1.400 ha rừng sản xuất; Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông giao khoán 4 thôn quản lý 419,79 ha rừng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô giao khoán 4 thôn quản lý 1.040 ha rừng sản xuất. Thông qua công tác giao đất giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tập huấn tạo sinh kế, người dân ngày càng có ý thức bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng xâm hại rừng. 

Tuy nhiên, để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục phát huy tác dụng, tạo sức lan toả ngày càng mạnh hơn, theo ý kiến người dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp chính quyền các địa phương xây dựng được những mô hình tạo sinh kế hiệu quả, giúp dân nâng cao đời sống và lấy đó nhân ra diện rộng. Khi đời sống người dân được nâng lên, kết hợp với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì chắc chắn rừng ở địa phương sẽ được quản lý, bảo vệ tốt.

 

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức 59 hội nghị tuyên truyền kết hợp với tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Mục tiêu của việc tuyên truyền kết hợp tập huấn này nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng, xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định và bền vững hơn. VN

Văn Nhiên

 

 

Chuyên mục khác