Giúp Đăk Ang từng bước thoát nghèo

14/12/2018 06:58

​Đăk Ang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Hồi. Để giúp địa phương từng bước thoát nghèo, phát triển toàn diện, năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngọc Hồi đã ban hành Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng, phát triển toàn diện xã Đăk Ang đến năm 2020”. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, xã đặc biệt khó khăn này đã có nhiều đổi thay khởi sắc.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ang - Ngô Đình Huệ cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngọc Hồi, xã Đăk Ang đã có một số chỉ tiêu đạt ở mức tương đối cao và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 15 triệu đồng/năm, đạt 74,5% Nghị quyết; xã đã đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới, đạt 46% so với Nghị quyết; diện tích cây công nghiệp dài ngày đạt 873ha, đạt 122% Nghị quyết; diện tích cây hàng năm đạt 1.400 ha, đạt 113% Nghị quyết…

Một trong những kết quả đạt được quan trọng nhất của xã Đăk Ang trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngọc Hồi là kết quả giảm nghèo.

Theo thống kê của xã Đăk Ang, nếu như năm 2016, cả xã có 638 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 65,05% thì đến năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 575 hộ, chiếm tỉ lệ 56,04%; đến đầu năm 2018 giảm còn 441 hộ, chiếm tỉ lệ 41,88% và theo số liệu rà soát cuối năm 2018 số hộ nghèo trên địa bàn xã hiện tại giảm xuống còn 392 hộ, chiếm tỉ lệ 36,50%...

Như vậy, tính bình quân giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 7,13%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Theo ông Ngô Đình Huệ, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, xã Đăk Ang đã tiến hành khảo sát vị trí, địa hình, đất đai, đặc điểm khí hậu, tình hình đời sống, tập quán sản xuất của người dân; từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế cho từng năm.

Bên cạnh vận động nhân dân phát triển các loại cây trồng thế mạnh như: mì, cà phê, bời lời, lúa nước, lúa rẫy, địa phương còn vận động nhân dân sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi heo, bò, dê, gia cầm góp phần tăng thu nhập.

Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, xã Đăk Ang đã triển khai thực hiện được 8 mô hình nuôi dê tập trung với số lượng 264 con giống ban đầu, giúp cho 136 hộ gia đình của 8 thôn chăn nuôi; 9 mô hình nuôi heo sinh sản, heo thịt với số lượng 254 con giống ban đầu, giúp cho 115 hộ gia đình của 8 thôn phát triển và 8 mô hình phát triển đàn gia cầm (gà, vịt).

Và, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn 2 và vốn huy động từ doanh nghiệp, xã cũng đã triển khai thực hiện được 8 mô hình chăn nuôi bò tập trung (trong đó 7 mô hình/7 thôn được hỗ trợ từ vốn Chương trình 135 giai đoạn 2 và 1 mô hình/1 thôn được hỗ trợ từ vốn doanh nghiệp)…

Năm 2018, chị Y Tép ở làng Long Dôn (xã Đăk Ang) đã được hỗ trợ 2 con heo để phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên. Nhờ chịu khó chăn nuôi, chỉ sau 3 tháng, 2 con heo thịt đã được chị Y Tép xuất chuồng với giá bán 8 triệu đồng. Số tiền có được, chị Y Tép tiếp tục tái đầu tư mua 4 con heo giống khác để gầy đàn nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi.

Chị Tép phấn khởi: Chăn nuôi heo phù hợp với điều kiện và khả năng, đặc biệt có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn nhà và trong gia đình như rau, cám gạo nên thời gian tới gia đình tôi dự định sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại để phát triển chăn nuôi quy mô hơn, mong sớm thoát nghèo.

Lập gia đình từ năm 2013, dù đã rất nỗ lực nhưng vì chưa biết cách làm ăn nên vợ chồng A Thiết ở làng Long Dôn vẫn nghèo.

Vườn cà phê xanh tốt của gia đình A Thiết ở thôn Long Dôn

 

Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, năm 2015, A Thiết đã mạnh dạn vay 42 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng 2 ha bời lời, 3 sào cà phê với mong muốn sớm thoát nghèo. Nhờ được tập huấn kiến thức trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây của gia đình A Thiết đã phát triển rất tốt và mang lại cho gia đình anh nguồn thu ổn định.

Không chỉ dừng lại ở đây, mới đây, gia đình anh A Thiết còn quyết định dành dụm số tiền tích góp được để đầu tư mua thêm 7 sào đất, dự kiến kế hoạch trong năm tới tiếp tục đầu tư trồng cà phê để giảm nghèo bền vững.

Để tiếp tục đưa xã Đăk Ang từng bước thoát nghèo và phấn đấu đến năm 2020 giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã xuống còn dưới 20%, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương vận động người nghèo sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế; triển khai các mô hình tổ hợp chăn nuôi heo, bò, dê; phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường; cải tạo, tận dụng tối đa diện tích đất chưa sử dụng để trồng cây lương thực và cây công nghiệp, cải thiện đời sống và tạo nguồn thu nhập bền vững.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác