21/05/2024 14:08
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, 4 tháng đầu năm 2024 đã có gần 1,3 triệu lượt khách đến tỉnh tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, gần bằng cả năm 2023. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, tỉnh đã thu hút 114.500 lượt khách, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt 47,5 tỷ đồng, tăng 11,3%.
Có thể nói, việc chinh phục mục tiêu đón 1,7 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 (tổng doanh thu đạt 605 tỷ đồng) không còn mấy khó khăn.
Như vậy, liên tiếp từ năm 2022 đến nay, nghĩa là ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch tỉnh ta luôn duy trì được đà tăng trưởng khá mạnh mẽ.
|
Điều này phản ánh rằng, Kon Tum đang trên đà khởi sắc, dần trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, Khu du lịch sinh thái Măng Đen tiếp tục khẳng định vị thế điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách mỗi khi đến Kon Tum.
Chính quyền huyện đặt ra mục tiêu đón khoảng 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong năm 2024, nhưng mới hết tháng 4 đã đón khoảng 700.000 lượt du khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ riêng dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, khoảng 50.000 lượt khách đã đến đây tham quan, nghỉ dưỡng.
Các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy du lịch, dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy cải thiện đáng kể sức hút đối với du khách.
Trong đó, có thể kể đến thành phố Kon Tum và các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei đã có những bước đi táo bạo và hiệu quả, như tổ chức không gian phố đêm, liên hoan ẩm thực, liên hoan thổ cẩm, hội thi ẩm thực dược liệu, không gian ngày mùa, phiên chợ nông sản sạch, hội chợ dược liệu-gia súc.
Dù có bản sắc riêng trong khâu tổ chức, nhưng điểm chung là đều có sự đầu tư bài bản, chỉn chu; cố gắng khai thác, phát huy sức hút từ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Từ đó tạo nên sức hút với du khách. Bằng chứng là tất cả các sự kiện trên đều có sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và đông đảo du khách trực tiếp đến tham dự.
Những kết quả trên là nền tảng và động lực để ngành Du lịch hoàn thành mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách trong năm 2025, theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, qua theo dõi đà tăng trưởng của ngành Du lịch, có thể thấy nổi lên một số vấn đề đáng lưu tâm. Trong đó nổi lên việc, lượng du khách chỉ dồn về khi diễn ra các sự kiện văn hóa lớn, hết sự kiện thì lại vắng.
Thứ hai là du khách thường tập trung vào vài điểm du lịch có tiếng, đã quen thuộc. Trong khi đó, hạ tầng du lịch ở những nơi này vẫn còn khá hạn chế, khi khách dồn về là quá tải.
Như ở Khu du lịch sinh thái Măng Đen, hiện nay có 105 cơ sở lưu trú, có thể đón 5.000 lượt khách trong một ngày, đêm. Nhưng vào dịp tết và lễ 30/4-1/5 đều chật kín, nhiều đoàn khách không có chỗ nghỉ.
|
Hay như huyện Tu Mơ Rông, trong 2 ngày diễn ra Liên hoan ẩm thực dược liệu quốc tế (25-26/4) với chủ đề "Ẩm thực dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh", lượng khách đổ về khá đông. Tất nhiên là số lượng khách sạn, nhà nghỉ ít ỏi ở đây đã không đáp ứng được nhu cầu.
Ngay ở thành phố Kon Tum hay huyện Đăk Hà cũng vậy, đều quá tải khi diễn ra các sự kiện văn hóa lớn.
Để ngành Du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì bài toán đặt ra là phải tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lâu dài.
Tất nhiên, đây là một bài toán không hề dễ giải. Đòi hỏi có sự vào cuộc chung của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và sự sáng tạo, chủ động của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Trong đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần nghiên cứu các giải pháp vừa tiếp tục giữ được các thị trường khách truyền thống, vừa hướng tới các thị trường khách còn dư địa, có khả năng tăng trưởng mạnh.
Cần có biện pháp giải quyết tình trạng quá tải tại những điểm đến. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể thực hiện chính sách “khuếch tán” để không gây áp lực tại các địa điểm du lịch quen thuộc bằng cách tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, mở rộng các vùng du lịch vệ tinh.
Muốn vậy, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch-lữ hành để kịp thời “kéo giãn” số lượng khách tập trung quá đông cùng một địa điểm, vào một thời điểm.
Như cách làm gần đây của các huyện Tu Mơ Rông và Đăk Hà, khi tổ chức loạt hoạt động trong đợt nghĩ lễ đã góp phần “kéo” bớt lượng khách đổ về Măng Đen.
Tiếp tục nỗ lực làm mới chính mình bằng các sản phẩm độc đáo. Trong đó, nghiên cứu thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Đây là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Tỉnh cần quan tâm phân bổ vốn đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ, mạng lưới thương mại, dịch vụ. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần phối hợp các địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện dịch vụ và hạ tầng cơ bản tại các điểm du lịch.
Môi trường và các tài sản văn hóa là những giá trị quan trọng để phát triển du lịch nhưng lại khó có thể tồn tại vĩnh cửu dưới tác động của thời gian và con người. Vì thế, không chấp nhận “hy sinh” môi trường, “hy sinh” tài sản văn hóa để đánh đổi tăng trưởng du lịch.
Hồng Lam