Giao thông Kon Tum: Bứt phá mạnh mẽ

12/08/2016 17:11

25 năm qua, giao thông Kon Tum đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Từ thế “ngõ cụt” với con đường duy nhất là Quốc lộ 14 và có đến 90% là đường đất, đến nay, giao thông Kon Tum kết nối đến các vùng miền trong nước và quốc tế. Sự bứt phá đó góp phần quan trọng trong sự phát triển tỉnh nhà trên nhiều phương diện.

Anh Trần Minh Huy - Một trong những cán bộ giao thông đầu tiên lên Kon Tum sau ngày “ra riêng” năm 1991, nhớ lại: Thời kỳ đầu khi tách tỉnh, hệ thống giao thông gần như chỉ là con số không, chủ yếu là đường mòn, đường đất. Giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, chủ yếu là đi bộ. Mỗi lần đi công tác huyện, xã phải mất hàng tuần...

Thời kỳ đầu khó khăn như vậy đã đành, khi tôi đến mảnh đất Kon Tum năm 1999, lúc này đã sau 8 năm tách tỉnh, vẫn chứng kiến được sự vất vả trong việc đi lại do giao thông chưa phát triển. Hồi đó, đường đến huyện Đăk Glei đất đá lởm chởm, phải mất gần một ngày mới có thể đi tới trung tâm huyện; còn muốn vào tới xã Mường Hoong - Ngọc Linh thì phải mất thêm một ngày nữa đi bộ băng rừng, vượt suối. Tuyến quốc lộ 24 đi Kon Rẫy, Kon Plông hay các huyện khác cũng chủ yếu là đường đất, chưa được đầu tư xây dựng nên việc đi lại rất khó khăn, việc trao đổi buôn bán hàng hoá vì thế cũng hạn chế...

Kon Tum hiện có hơn 390km đường đô thị. Ảnh: Văn Phương

 

Giờ đây, từ trung tâm thành phố Kon Tum đến trung tâm huyện Đăk Glei chỉ mất vài giờ đồng hồ và đến trung tâm xã Ngọc Linh cũng chỉ thêm khoảng hơn 1 giờ đi xe ô tô nữa. Trước đây, muốn đến xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông), từ trung tâm huyện phải mất cả ngày đường đi bộ băng rừng, vượt núi; nhưng hiện nay chỉ mất khoảng 1 giờ đi ô tô trên con đường Trường Sơn Đông hùng vĩ là có thể đến nơi. Hoặc giờ đây, từ đường Ngọc Hoàng - Măng Bút, chúng ta có thể đi xuyên từ huyện Tu Mơ Rông sang xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong... của huyện Đăk Glei một cách dễ dàng. Cũng tương tự, từ con đường Đăk Côi - Đăk Psi, chúng ta có thể đi xuyên từ Đăk Hà sang huyện Kon Rẫy...

Bên cạnh sự phát triển mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã; hệ thống các tuyến quốc lộ cũng đã và đang được nâng cấp, mở rộng, kết nối với mọi miền của đất nước. Đơn cử như tuyến Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh được xây dựng tương đối hoàn thiện tạo nên tuyến giao thông huyết mạch với các tỉnh miền Trung, Bắc, Nam. Hoặc, Quốc lộ 24 nối với Quảng Ngãi, Quốc lộ 19 nối với Bình Định đã mở hướng giao lưu về phía đông với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 40 nối với Quốc lộ 18B của nước bạn Lào tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y được hoàn thành đã và đang tạo nên tuyến giao thông chất lượng cao xuyên quốc gia nối Kon Tum qua vùng Hạ Lào đến Đông Bắc Thái Lan, mở hướng giao lưu giữa Kon Tum với bạn bè quốc tế.

Mở đường về vùng sâu. Ảnh: Văn Phương

 

Từ chỗ chỉ có khoảng 600km đường giao thông, với 66km đường nhựa khi tách tỉnh; đến nay, toàn tỉnh đã phát triển lên gần 4.000km đường giao thông, chỉ riêng quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đã có tổng chiều dài là 444km, tỉnh lộ có 11 tuyến với tổng chiều dài là 404km và đường huyện có tổng chiều dài 697km. Trong số đó, có 47,1% đường bê tông nhựa, bê tông xi măng, khoảng 17,5%  đường láng nhựa và 35,4% là đường đất, cấp phối.

Giao thông phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đời sống bà con vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng lên rõ rệt... Cái đói cái nghèo cũng dần được thay thế bằng sự sung túc, no đủ, hạnh phúc. Những con đường đã và đang tạo ra cho Kon Tum những lợi thế to lớn trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác