Giao thông đi trước mở đường cho phát triển

28/08/2021 06:03

Khắc ghi lời dạy của Bác: “Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”, những năm qua, cán bộ, công nhân, người lao động ngành GTVT Kon Tum không ngừng nỗ lực, tận dụng và tranh thủ nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, mở đường cho sự phát triển kinh tế- xã hội và tạo thuận lợi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Muốn kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông phải đi trước một bước. Phát huy truyền thống “Đi trước, mở đường”, những năm qua, ngành GTVT tỉnh chú trọng phát triển đồng bộ giao thông từ thành thị đến vùng nông thôn, góp phần làm cho diện mạo đô thị và nông thôn của tỉnh ngày một khang trang, khởi sắc.

Các tuyến đường giao thông đối ngoại kết nối với vùng, liên vùng được đầu tư, nâng cấp sửa chữa tạo thuận lợi cho đi lại, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, 14C, 40, 40B… Các tuyến đường nội vùng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh cũng được quan tâm, chú trọng và ưu tiên đầu tư, đơn cử như đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh, đường Ya Tăng đi Sê San 3A, đường từ Sê San 3 đi Quốc lộ 14 C, dự án tuyến tránh thủy điện Plei Krông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh - Kon Tum, tuyến tránh thành phố Kon Tum và nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị đã được đầu tư xây dựng... góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn.

Nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị đã được đầu tư xây dựng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ. Ảnh: PN

 

Nhờ đó, từ chỗ “ngõ cụt”, nhưng sau 30 năm thành lập lại tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống giao thông đường bộ toàn tỉnh hiện đã lên đến hơn 6.115 km đường giao thông các loại. Trong đó, có hơn 1.000km đường bê tông nhựa, hơn 2.233km đường bê tông xi măng, hơn 817km đường cấp phối đá dăm, còn lại là đường đất và đường chuyên dùng. So với năm 2015, tổng chiều dài đường giao thông tăng hơn 2.100km, tỷ lệ đường được bê tông hóa, láng nhựa tăng 1,5 lần; trong đó, quốc lộ có gần 500 km, tỉnh lộ gần 940 km; huyện lộ 730 km, đường đô thị tăng lên gần 450 km, đường thôn, xã và trục chính nội đồng tăng lên gần 3.500km, đường chuyên dùng 28 km; đường tuần tra biên giới 435 km và đường Trường Sơn Đông dài 52 km...

Điều đáng mừng, hệ thống đường giao thông được mở không chỉ bảo đảm sự kết nối giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh mà khi đường giao thông được mở đã kéo theo sự phát triển mọi mặt của đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc và có nhiều đổi thay. 

Hệ thống giao thông đô thị ngày càng phát triển. Ảnh: PN

 

Theo ông Nguyễn Đức Hương- Phó Giám đốc Sở GTVT, cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, ngành GTVT cũng luôn đổi mới hoạt động, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển mạnh và đồng bộ các loại hình vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân.  Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 75 tuyến vận tải hành khách cố định (so với năm 2015 tăng 21 tuyến), trong đó có 65 tuyến liên tỉnh, 5 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liên vận quốc tế Việt – Lào. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã kết nối vận chuyển hành khách giữa các xã trong 6/9 huyện và hiện nay đang mở rộng kết nối đến các huyện trên địa bàn tỉnh. Việc kết nối với các phương thức vận tải đã cơ bản đáp ứng, vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân.

Phát huy truyền thống “Đi trước, mở đường” thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI Đảng đề ra. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông đang triển khai như Quốc lộ 24, 14C. Tận dụng, tranh thủ các nguồn vốn của trung ương để đầu tư, nâng cấp các tuyến mới đường tránh phía Tây thành phố Kon Tum. Tăng cường quản lý, bảo trì hệ thống giao thông nông thôn, hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải và đẩy mạnh phát triển vận tải đường bộ, khai thác có hiệu quả tiềm năng vận tải… góp phần tích cực vào thúc đẩy kinh tế -xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với truyền thống của ngành.         

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác