01/09/2017 15:24
Xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) là một trong những nơi xa xôi, đường xá không thuận tiện, ngay việc đi lại của người dân đã vô cùng vất vả nói gì đến việc mang hàng vào bán. Từ trung tâm huyện Sa Thầy đi vào xã khoảng 60 cây số, nhưng hơn 2/3 quãng đường vô cùng khó đi, có những thời điểm mưa nhiều, đường lầy lội, xe ô tô không thể ra vào được nên việc vận chuyển hàng hoá gần như bị ngưng trệ.
Theo một số người buôn bán tại đây, thông thường người dân thường đặt hàng của các đại lý từ thành phố Kon Tum rồi gửi xe khách mang vào trong xã để bán cho người dân. Tuy nhiên, những đợt mưa gió, đường vào xã rất khó đi, xe không lên được nên hàng hoá gửi vào cũng theo đó mà thất thường. Một số tiểu thương cố gắng đi xe máy ra huyện lấy đỡ một số mặt hàng thiết yếu lên bán, một số người chuyển hướng lấy hàng hoá từ Gia Lai đưa qua huyện Ia H’Drai lên nhưng cũng chẳng dễ dàng gì vì Quốc lộ 14C đoạn đến xã Mô Rai chưa làm xong, mỗi khi mưa bão khó có xe nào đi được.
|
Không chỉ ở Mô Rai, vào trong Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai), chúng tôi cũng ghi nhận tình cảnh tương tự. Bình thường, các xe khách chỉ đưa hàng tới trung tâm xã Ia Dom và Mô Rai cách làng tới gần 30 cây số, sau đó các tiểu thương đi xe máy ra để chở hàng về rất cực nhọc. Vào mùa mưa, đường vào làng dù đi theo hướng nào cũng lầy lội, trơn trượt, ngay việc đi lại bình thường đã khó nói gì đến việc mang vác, vận chuyển hàng hoá.
Chẳng riêng gì Mô Rai hay ở Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai, mà ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng trong tình cảnh tương tự. Do đường xá đi lại khó khăn nên chỉ nguyên việc đưa hàng Việt đến nơi đã khó nói gì đến việc để cho hàng Việt có thể “bám rễ” ở thị trường này.
Anh Đỗ Ngọc Tân (Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai) chia sẻ: Mình vẫn biết, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp, các ngành đều tuyên truyền mình dùng hàng Việt, mình cũng muốn lắm chứ bởi dùng hàng trong nước sản xuất vẫn yên tâm về chất lượng, nhưng ở trong làng này chỉ có vài hàng quán bán các mặt hàng tiêu dùng cần thiết nên không phải muốn mua gì, mua khi nào cũng có. Người dân mình mua hàng nhưng phải phụ thuộc vào việc người bán có lấy được hàng hay không và có loại nào thì mua loại đó thôi.
Chưa kể, do quá trình vận chuyển khó khăn nên hàng hoá đưa đến những khu vực vùng sâu, vùng xa thường bị đội giá, trong khi điều kiện kinh tế của phần đông người dân những khu vực này còn khó, nên những mặt hàng Việt Nam có chất lượng đảm bảo thường có giá thành cao hơn hàng Trung Quốc chất lượng kém.
Nắm bắt được tâm lý muốn mua hàng rẻ của người dân, sự kiểm soát của lực lượng chức năng ở vùng này còn hạn chế, nhiều đối tượng kinh doanh, bán hàng rong đã đưa những mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng mà các doanh nghiệp, các nhà phân phối tranh thủ thanh lý về bán cho người dân. Đây chính là kẽ hở để hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém thâm nhập thị trường vùng sâu, vùng xa.
Thời gian qua, ngành chức năng, các doanh nghiệp đã cố gắng tổ chức các phiên chợ hàng Việt, chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa; tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, nhất là những vùng giao thông đi lại khó khăn, việc làm này dường như còn bị bỏ ngỏ. Vì vậy, người dân thực sự chưa có nhiều cơ hội tiếp cận, mua các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà phân phối dường như mới chỉ chăm chăm giữ thị trường thành phố, vùng thuận lợi mà bỏ quên vùng khó.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi qua được một chặng đường khá dài, song để khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” thành hiện thực ở những vùng khó thì điều cốt yếu là phải làm cho người dân có cơ hội được mua hàng Việt.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân, siết chặt quản lý để hạn chế các mặt hàng kém chất lượng.
Thiên Hương