Giảm nghèo ở Đăk Rơ Nga

07/12/2018 12:54

​Đăk Rơ Nga là 1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô. Nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra mục tiêu bình quân giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã trên 4%/năm. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, bình quân xã đã giảm được 6,4% hộ nghèo/năm.

Sau nhiều năm được chính quyền địa phương hướng dẫn, giúp đỡ cách thức làm ăn, vay vốn phát triển kinh tế, gia đình ông A Pek ở thôn Đăk Manh 2 (xã Đăk Rơ Nga) quyết định chỉ giữ lại 1,5ha đất rẫy trồng mì và 3 sào lúa ruộng đảm bảo lương thực cho gia đình, phần diện tích đất còn lại được chuyển đổi sang trồng 2,5ha cao su, 5 sào cà phê, kết hợp chăn nuôi 1 con trâu và 1 con bò. Dù việc phát triển kinh tế gia đình mới chỉ bắt đầu, nhưng với những gì đã nỗ lực, ông A Pek hy vọng cuối năm 2018 sẽ thoát khỏi danh sách nghèo.

Ông A Pek chia sẻ: Trước đây, bản thân mình không biết cách làm ăn, không dám vay vốn vì sợ không trả được tiền cho ngân hàng. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, bản thân và gia đình đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Bây giờ, gia đình đã chăn nuôi được trâu, bò; phát triển được vườn cây cao su, cà phê xanh tốt nên vui lắm, càng vững niềm tin vào cuộc sống.

Tạo động lực giúp gia đình A Pek sớm thoát nghèo, mới đây, xã Đăk Rơ Nga đã chọn gia đình ông vào nhóm 18 hộ gia đình ở thôn Đăk Manh 2 thành lập các tổ triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ trồng cỏ nuôi bò.

Được 6 hộ gia đình trong nhóm tham gia mô hình bầu chọn làm Tổ trưởng Tổ trồng cỏ chăn nuôi bò (tổ 3) và mặc dù chưa nhận bò hỗ trợ chăn nuôi nhưng ông A Pek rất sốt sắng vận động các hộ gia đình trong nhóm mỗi hộ trồng 1 sào cỏ; tình nguyện cho tổ mượn đất vườn cao su để dựng chuồng trại chăn nuôi. Ông A Pek nói: Với kinh nghiệm có được, tôi sẽ cố gắng cùng với các hộ gia đình thực hiện có hiệu quả mô hình.

Không còn thời gian rảnh rỗi như trước đây, kể từ ngày vay vốn để trồng được 2 sào cà phê quanh vườn nhà và mua 2 con bò về chăn nuôi, anh A Ting ở thôn Đăk Manh 2 cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, có động lực hơn để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Anh A Ting nói: Trước đây, mình không biết làm sao để thoát nghèo và cứ luôn trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Bây giờ, mình đã nhận ra một điều rằng, Nhà nước chỉ giúp cho mình cái “cần câu”, còn bản thân mình phải biết tự nỗ lực vươn lên. Từ chỗ thay đổi nhận thức, bản thân đã mạnh dạn vay vốn trồng cà phê, chăn nuôi bò để tăng thu nhập và có nguồn phân chuồng để phục vụ cho việc trồng trọt hiệu quả hơn.

Dù chưa nhận được bò hỗ trợ nhưng A Ting (trái) đã dựng sẵn chuồng trại chăn nuôi với quyết tâm thoát nghèo

 

Quyết tâm sang năm 2019 sẽ thoát nghèo, anh A Ting vừa mới đăng ký tham gia vào một nhóm hộ trồng cỏ chăn nuôi bò của thôn (tổ 2), đồng thời tình nguyện cho tổ mượn đất vườn nhà để làm chuồng trại chăn nuôi.

Thôn trưởng thôn Đăk Manh 2 - A Xuất xác nhận: Trong những năm gần đây, bà con trong thôn rất nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình để giảm nghèo. Điều phấn khởi nhất trong năm 2018 là bà con trong thôn đã thành lập được 4 nhóm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; thành lập được 3 nhóm trồng cỏ nuôi bò; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đến nay, toàn thôn đã phát triển được 220ha cây trồng hàng năm (lúa nước 2 vụ 34ha, mì 185ha, còn lại là hoa màu), 281ha cây công nghiệp (30ha cà phê, 170ha cao su, 79ha bời lời, 2ha tiêu), phát triển đàn gia súc 500 con (gồm bò, trâu, heo), góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 46,3%.

Cùng với Đăk Manh 2, các thôn (làng) trên địa bàn xã Đăk Rơ Nga cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Qua điều tra, khảo sát hàng năm của xã, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,4%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Nếu như năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 54,72%, thì đến năm 2017 giảm còn 48,64% và đến năm 2018 giảm còn 42,26%.

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga, để đạt được kết quả vượt bậc trong công tác giảm nghèo đối với một xã đặc biệt khó khăn là sự nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Bên cạnh việc tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, địa phương còn linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất; định hướng cho người nghèo lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Theo đó, đến nay, xã Đăk Rơ Nga đã định hướng cho bà con nhân dân phát triển cây cà phê, giữ vững diện tích cao su và phát triển chăn nuôi bò, heo để nâng cao thu nhập.

Hỗ trợ bà con giảm nghèo, xã cũng vận động các hộ dân tập trung vay vốn phát triển sản xuất. Tính từ năm 2016 đến nay, xã Đăk Rơ Nga đã có 1.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay gần 40 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhờ đó, cả xã đã phát triển được 1.098ha cây công nghiệp, trong đó nhiều nhất là cao su 618ha, bời lời 364ha, cà phê 100ha; phát triển đàn gia súc gần 2.500 con (300 con trâu, 450 con bò, 1.700 con heo).

Điều phấn khởi là thông qua các nguồn vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới do Nhà nước hỗ trợ và từ sự nỗ lực của người dân, đến nay, Đăk Rơ Nga đã đạt được 7 tiêu chí nông thôn mới gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, lao động có việc làm thường xuyên và đang phấn đấu cuối năm 2018 tiếp tục hoàn thành thêm 3 tiêu chí gồm: giáo dục, văn hóa, môi trường; riêng tiêu chí thu nhập đã tăng lên 16 triệu đồng/người/năm.

Bài, ảnh: Tú Quyên 

Chuyên mục khác