02/12/2022 13:06
Từ năm 2009 đến năm 2021, tôi lên làng chài ở lòng hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) đủ nhiều để nhìn rõ những sự thay đổi nơi đây.
Sở dĩ lấy mốc năm 2009 là vì đây là năm các hộ gia đình lang thang kiếm sống trên nhiều sông hồ tụ về lòng hồ thủy điện Sê San 4. Không có đất, không có nghề nghiệp, không giấy tờ tùy thân, tài sản chỉ có con thuyền và mấy tay lưới, các gia đình vật vã trong cuộc mưu sinh.
Nhưng với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và chính quyền địa phương, những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính từng bước được tháo gỡ, hầu hết người dân ở làng chài đã có hộ khẩu, được cấp đất làm nhà trên bờ, con em được đến trường học hành đàng hoàng.
|
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, chỉ vài năm sau, làng chài đã khoác lên mình “áo mới”. Nhà nào cũng nuôi cá lồng, chủ yếu là cá thác lác cườm, lăng đuôi đỏ, trắm cỏ, bống, lóc bông; nhiều nhà nuôi được vịt, trồng được rau xanh. Đặc biệt, nhà nào cũng dùng pin mặt trời; có nhà sắm được ti vi và dàn karaoke.
Thêm mấy năm nữa, đời sống khấm khá thấy rõ. Gia đình nào cũng có nhà trên bờ, nhà bè dưới hồ, cung cách làm ăn cũng thay đổi. Được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, các ngành chức năng, người dân làng chài bắt đầu khai thác tiềm năng du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Hợp tác xã nghề cá Sê San- đại diện cho cách làm ăn kiểu mới, với nòng cốt là cư dân làng chài, ra đời; thương hiệu cá nước ngọt Sê San hình thành; làng chài đã có sản phẩm OCOP.
Mới đây tôi gặp anh Đặng Văn Thuộc, một cư dân làng chài giỏi tính toán làm ăn. Dù cho có cố gắng thế nào tôi cũng không thể tìm được nét tương quan giữa anh Thuộc bặt thiệp, tự tin, sôi nổi đang ở trước mặt mình với anh Thuộc gầy gò, đen đúa, rụt rè khi gặp người lạ trước kia.
Trong câu chuyện, anh nói về công việc, về cuộc sống của dân làng chài hiện nay và chia sẻ những ấp ủ, dự định đầu tư táo bạo nhưng đầy khả thi về phát triển du lịch, mở rộng mô hình nuôi cá lồng của mình.
Tất nhiên là tôi bày tỏ sự khâm phục của mình đối với sự phát triển của làng chài, và cho những người làm nên sự phát triển ấy.
Nhưng theo anh Thuộc, nỗ lực của người dân làng chài sẽ không đem lại kết quả hôm nay, nếu như thiếu đi sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền và các ngành chức năng.
|
Kể ra câu chuyện trên để thấy rằng, với người nghèo, điều họ cần không phải là những lời văn hoa đầy nhiệt huyết mà là những hành động thực sự có thể tạo ra thay đổi căn bản trong đời sống của họ.
Và để tạo ra sự thay đổi cơ bản, chắc chắn phải có những chính sách đồng bộ, là kết quả của việc khảo sát, nghiên cứu, quy hoạch thực tế. Nếu không, người dân sẽ vẫn no vài giờ, ấm vài ngày và nghèo một đời.
Trong những năm qua, tỉnh và các ngành, tổ chức chính trị-xã hội đã tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho người dân, như hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh; giảm nghèo về thông tin.
Kết quả là tỷ lệ hộ ghèo, cận nghèo của tỉnh giảm đều qua các năm. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,84%/năm; bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,67%/năm. Năm 2021, tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,11%.
Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cùng với việc ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo triển khai Chương trình, tỉnh đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện. Đã có gần 300 tỷ đồng được bố trí để thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó vốn Trung ương giao năm 2022 là 265,917 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 32,497 tỷ đồng.
Theo báo cáo sơ bộ của các huyện, thành phố (đến ngày 11/11/2022), toàn tỉnh còn 16.142 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,01% tổng số hộ dân toàn tỉnh, ước giảm 4,31%, đạt 107% so với kế hoạch.
Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trên hành trình giảm nghèo bền vững.
Tất nhiên, bức tranh giảm nghèo vẫn còn đó những “gam màu xám”. Đó là có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại rất khó khăn, gây bất lợi cho quá trình giảm nghèo bền vững.
Sinh kế của người dân, nhất là đồng bào DTTS phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong khi thiên tai ngày càng khó lường, khiến sản xuất nông lâm nghiệp chịu nhiều rủi ro.
Thực tế cho thấy, chỉ cần một cơn bão hay đợt hạn hán nặng là sản xuất nông nghiệp sẽ thiệt hại nặng, dẫn đến nguy cơ tăng tỉ lệ hộ nghèo, hoặc tái nghèo.
Bên cạnh đó, trình độ thấp, thiếu vốn đầu tư, đông con, "căn bệnh ỷ lại" còn bám rễ trong nhận thức của rất nhiều hộ nghèo cũng là những rào cản cần tháo gỡ.
|
Giảm nghèo từ lâu đã là bài toán khó, giảm nghèo bền vững còn khó khăn gấp nhiều lần, bởi không có phương pháp nào chung để áp dụng cho việc thoát nghèo.
Nhưng theo các chuyên gia, tựu chung lại sẽ có 2 vấn đề. Thứ nhất, đầu tư và dành tỷ lệ đầu tư lớn cho nông nghiệp và khu vực nông thôn, bao gồm hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, tín dụng; cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các loại hình sinh kế.
Thứ hai, chính quyền, ngành chức năng có nhận thức đúng đắn, thống nhất trong hoạch định và thực thi chính sách giảm nghèo, tránh tư duy giảm nghèo bền vững là một chương trình, như nhiều chương trình khác, chứ không phải là trách nhiệm, từ đó biến cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng thành ban phát, xin – cho.
Về phía người dân, cần chủ động, mạnh dạn tiếp nhận và thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo; khắc phục tư tưởng trông chờ, lại vào Nhà nước. Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm nhẹ cường độ lao động, giảm chi phí, giá thành sản xuất.
Hồng Lam