Giải quyết các "điểm nóng" về phá rừng làm nương rẫy: ​Không hô khẩu hiệu suông

25/04/2018 18:04

​Dù những cái tên Măng Cành, Hiếu (Kon Plông), Ia Tơi (Ia H'Drai), Đăk Hà (Tu Mơ Rông), Đăk Nông (Ngọc Hồi)... vẫn làm những người có trách nhiệm lo lắng, nhưng không thể phủ nhận rằng, nỗ lực ngăn chặn việc lấn chiếm rừng làm nương rẫy của chính quyền, ngành chức năng và chủ rừng đã và đang phát huy hiệu quả...

Góc nhìn từ Kon Plông

Trong chuyến công tác vào cuối tháng 4 này, tôi khá bất ngờ khi không còn thấy những vệt khói đen cuộn lên nơi rừng già xã Hiếu. Trước đó, trong hành trình ngược Quốc lộ 24 lên Pờ Ê, Hiếu rồi vòng về Măng Cành sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, hình ảnh cả vạt rừng nghi ngút khói đã ám ảnh khá lâu trong tôi.

Khi ấy, Hạt phó hạt Kiểm lâm Kon Plông - Bùi Thái Tùng cũng không hề né tránh thực tế đang diễn ra. Theo anh, mặc dù tình trạnh phá rừng làm nương rẫy không còn diễn ra nhiều như những năm trước nữa, nhưng đâu đó trong hàng trăm nghìn héc ta rừng vẫn diễn ra tình trạng người dân lén lút vào rừng chặt phá.

Chỉ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trên địa bàn huyện đã phát hiện 9 vụ phát rừng làm nương rẫy với hơn 2ha rừng sản xuất bị thiệt hại. Tuy nhiên không ai có thể trả lời được câu hỏi: Còn bao nhiêu vụ "lén lút vào rừng chặt phá" chưa được phát hiện, chưa bị xử lý?

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn nạn phá rừng làm nương rẫy. Ảnh: T.H

 

Nhưng chỉ sau 2 tháng, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình cũng đã có chuyển biến tích cực. "Tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã được kiểm soát; các điểm nóng về phá rừng làm rẫy được phát hiện, ngăn chặn kịp thời"- Hạt phó Bùi Thái Tùng nói.

Vậy Kon Plông đã làm gì?

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Đức Tín, sách lược "hai mũi giáp công" được vận hành nhuần nhuyễn. Một mặt, huyện chỉ đạo các xã, chủ rừng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động không lấn chiếm rừng làm nương rẫy tới tận thôn, làng, tới từng hộ gia đình; mặt khác đẩy mạnh công tác tuần tra, truy quét, thành lập các chốt giữ rừng ở các khu vực  trọng điểm.

Chúng tôi đã có những biện pháp rất cụ thể, cả về mục tiêu, cách làm đến thời gian hoàn thành chứ không chung chung nữa. Trước hết, trong hơn 112.961ha rừng trải rộng trên địa bàn các xã, cần phải xác định được đâu là "điểm nóng" để bố trí phương án đấu tranh phù hợp, đó là các xã Đăk Long, Măng Cành, Pờ Ê, Hiếu - Hạt phó Bùi Thái Tùng kể.

Tiếp đó, ở cấp huyện, đã thành lập Tổ công tác liên ngành với lực lượng mạnh, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, truy quét thường xuyên trên địa bàn tất cả các xã; 9/9 xã đều thành lập Tổ công tác liên ngành để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, truy quét ở cấp mình; riêng 2 xã Đăk Long, Măng Cành thành lập thêm 2 chốt bảo vệ rừng. Lực lượng Kiểm lâm địa bàn được "lệnh" thường trực tại địa bàn được phân công, kể cả ngày nghỉ, để có thể nắm bắt, phát hiện, xử lý kịp thời bất cứ vụ việc nào.

Chỉ trong quý I/2018, đã có 84 cuộc tuần tra, truy quét được tổ chức với 502 lượt người tham gia. Kết quả là, đến nay "điểm nóng" Măng Cành, Hiếu, Pờ Ê đã "hạ nhiệt", số vụ vi phạm, phá rừng làm nương rẫy giảm hẳn. Riêng "điểm nóng" Đăk Long, theo Hạt phó Tùng, tuy còn tình trạng người dân lén lút vào các tiểu khu 483, 488 lấn chiếm đất rừng, nhưng tin rằng cũng được giải quyết trong thời gian tới.

Không hô khẩu hiệu suông

Trên đường về, nhìn bảng pano tuyên truyền rất to dựng bên đèo Măng Đen mang nội dung kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ rừng vì "rừng rất quý", tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của Hạt phó Bùi Thái Tùng "muốn bảo vệ được rừng thì không thể cứ hô khẩu hiệu suông, mà phải bằng hành động thực tế, biện pháp cụ thể".

Đồng tình với suy nghĩ trên, theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, trong thời gian qua, thay vì cứ bận rộn với việc hô vang những khẩu hiệu suông, toàn lực lượng Kiểm lâm đã và đang triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với quyết tâm cao nhất, trong đó có ưu tiên giải quyết các "điểm nóng".

Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu các chủ rừng và chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, xác định các "điểm nóng" trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, truy quét thường xuyên các "điểm nóng" đã được nhận diện; duy trì các chốt liên ngành nhằm kiểm tra, kiểm soát các ngả đường vào rừng...

Kết quả là trong quý I/2018, toàn tỉnh đã tổ chức 832 đợt truy quét (cấp tỉnh 1 đợt, cấp huyện 692 đợt, cấp xã 139 đợt), qua đó phát hiện 65 vụ vi phạm, gây thiệt hại 3,99ha rừng, hơn 111m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Tình hình vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng (trong đó có lấn chiếm rừng làm rẫy) cơ bản được kiểm soát, giảm về số vụ (16%, tương đương 26 vụ) và mức độ thiệt hại (23%, tương đương 1,48ha) so với quý I/2017.

Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không vào phá rừng; tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với các lực lượng tuần tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng, nên có tác động lan tỏa cao, giúp ngăn chặn hiệu quả việc xâm hại rừng.

Mặt khác, theo kinh nghiệm của Hạt phó Hạt Kiểm lâm Kon Plông - Bùi Thái Tùng, quá trình giải quyết "điểm nóng" về phá rừng làm nương rẫy phải được sự ủng hộ tích cực của người dân. Mà muốn như vậy, cần đẩy nhanh tiến độ giao khoán rừng cho cộng đồng và hộ gia đình.

Đây cũng là chuyện mà tôi muốn dùng để kết thúc bài viết của mình. Chưa bao giờ những hộ dân ở làng Đăk Sao (thôn Đăk Da, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông) lại cần rừng, quý rừng và biết ơn rừng đến thế. Nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá trập trùng, làng Đăk Sao được giao quản lý, bảo vệ hơn 55ha rừng đầu nguồn từ năm 2016.

Kể từ đó, tất cả dân làng tự nguyện thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng. Làng quy định rõ ràng những gì được làm, không được làm trong rừng, nên dân làng biết rõ không được chặt phá cây rừng, lấn đất rừng làm nương rẫy; phải cùng tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng...

Và thế là, từ những mảng nương rẫy cũ, rừng của làng lại xanh!

Thành Hưng

Chuyên mục khác