01/04/2025 14:59
Thực trạng các công trình thủy lợi, tài nguyên nước
Toàn tỉnh hiện có 595 công trình thủy lợi gồm 86 hồ chứa, 7 trạm bơm điện và 502 đập dâng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, các huyện, thành phố quản lý, đảm bảo nước tưới cho gần 22.370 ha cây trồng. Các hồ chứa: Đăk Uy, Cà Sâm, đập: Kon Trang Kla, Bà Tri, Cà Ha (huyện Đăk Hà); hồ chứa: Đăk Hơ Niêng, Đăk Hơ Na, Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi); hồ chứa Ia Bang Thượng, Đăk Yên (thành phố Kon Tum); hồ chứa Đăk Rơn Ga (huyện Đăk Tô) giữ vai trò quan trọng trong việc dự trữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước phục vụ tưới tiêu các vùng chuyên canh cây trồng trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho ngành nông nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng quá lâu, có hồ chứa, đập dâng hơn 40 năm không được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp, hư hỏng, bị bồi lắng do tác động của thiên tai, khiến khả năng chịu lực suy giảm dần theo năm tháng, ẩn chứa rủi ro mất an toàn cho công trình và vùng hạ du là rất lớn. Biến đổi thất thường của thời tiết là nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng lũ lớn, hạn hán, động đất… xảy ra thường xuyên, tác động đến an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh trước mắt và cả lâu dài.
|
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức tham gia quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP; thiết bị phục vụ quản lý an toàn hồ, đập vừa thiếu vừa không đồng bộ; thiếu kinh phí đầu tư, bảo trì, sửa chữa nâng cấp hồ chứa, đập dâng.
Tuy nhiên, quá trình phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa lấn chiếm không gian trữ nước ngầm, cản trở các tuyến thoát nước, sự bất thường của khí hậu…, tạo sức ép làm suy giảm nguồn nước, khả năng đáp ứng sản xuất quy mô lớn về lâu dài hạn chế. Mâu thuẫn giữa các mục đích sử dụng nước gia tăng, giữa phát điện với điều tiết bảo vệ an toàn hạ du với cấp nước; giữa phát triển công nghiệp, làng nghề đô thị với bảo vệ chất lượng nguồn nước. Công trình thuỷ lợi xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khi có sự cố xảy ra có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ, hạn hạn khốc liệt mùa khô. Tỷ lệ thất thoát, chất lượng cung cấp nước cho sinh hoạt ở đô thị còn thấp, ở nông thôn chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên. Ô nhiễm nguồn nước từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, chất thải rắn không kiểm soát. Thảm phụ rừng, nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên, điều tiết nguồn nước, giữ đất, phòng chống sạt lở trong đó rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có vai trò quan trọng, nhưng hằng năm rừng vẫn bị xâm hại, suy giảm; rừng non, rừng nghèo chiếm tỷ lệ lớn làm hạn chế nguồn sinh thủy.
Dự báo về biến đổi khí hậu trong tương lai, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo Đề án 1082 ngày 15/10/2018. Tuy vậy, việc đánh giá hiện trạng cực đoan của các loại hình thiên tai như hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, chưa tính toán dự báo nguy cơ tác động cực đoan của các loại hình thiên tai nêu trên trong tương lai khi mà biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, việc cập nhật số liệu đánh giá năm 2017 đến nay không còn phù hợp. Đề án quản lý hạn hán trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ hạn hán theo hướng bền vững nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật phòng, chống hạn hán đồng bộ và hệ thống công cụ hỗ trợ chưa tiên lượng, dự báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước cực đoan xảy ra trong tương lai cũng như tác động khi xảy ra hạn hán, cực đoan thiếu nước như thế nào để có cơ sở đề xuất giải pháp phù hợp.
Giải pháp bảo vệ, quản lý tài nguyên nước
Trước những khó khăn, thách thức từ công tác quản lý đến sự cực đoan của khí hậu, dự báo trong tương lai về sự thiếu hụt nguồn nước tác động không nhỏ đến hồ, đập, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống của người dân trên địa tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và công tác quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Đây là vấn đề cấp bách, sự cần thiết tăng cường quản lý an toàn đập, hồ chứa nước để ứng phó với các tác động cực đoan về lũ, hạn hán, suy thoái nguồn nước trên địa bàn tỉnh; quy định pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước, hiện trạng về quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước; phát triển lâm nghiệp bền vững góp phần phát triển bền vững công trình thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, đó là những báo cáo tham luận của nhà khoa học, các ngành hữu quan, chỉ rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với độ che phủ rừng hơn 63% diện tích toàn tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng phải được hết sức chú trọng bởi nó là nguồn lực sinh thủy của tài nguyên nước. Rừng càng được quản lý, bảo vệ không bị chặt phá sẽ có tác dụng điều tiết nguồn nước, điều hòa không khí, chống biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học; giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, sạt lở đất. Giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững góp phần phát triển bền vững các công trình thuỷ lợi và phòng chống thiên tai là bảo tồn sự sống, bảo tồn môi trường.
|
Về mô hình tổ chức, năng lực quản lý của các tổ chức tham gia quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; nguồn lực tham gia công tác này ở tỉnh rất cần được đưa ra bàn bạc, phân tích bảo đảm phù hợp với thực tế, với quy định của Nhà nước tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Thuỷ lợi số 08/2017/QH14 ngày 19/6/2017; Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Bởi, hiện tại,trên địa bàn mới thực hiện được 3/13 nội dung yêu cầu hoàn thành 100% các quy định của pháp luật về quản lý đập, hồ chứa nước thuỷ lợi. Điều này cho thấy, sự hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước khẩn trương khắc phục, tránh những thiệt hại rủi ro thiên tai xảy ra.
Sử dụng nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt cần đặc biệt quan tâm bởi cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước. Vấn đề này cũng đặt ra đối với người dân trong việc nâng cao ý thức tiết kiệm sử dụng nước, yếu tố góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Rất cần mô hình quản lí cấp nước, xử lý nước đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng lạm dụng khai thác nguồn nước ngầm sinh hoạt bừa bãi, thiếu hiệu quả, nhất là khu vực vùng nông thôn.
Từ những vấn đề rút ra có tính lý luận và thực tiễn, cho thấy công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cần chú trọng đẩy mạnh truyền thông, giúp người dân, tổ chức nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước tập trung, hướng dẫn chủ động tích nước an toàn. Bảo vệ an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị, với sự vào cuộc của toàn xã hội, có sự tham gia của cộng đồng và phải bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông.
Cần thẳng thắn chỉ ra tồn tại, bất cập, có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quản quản lý, khai thác nguồn nước trong điều kiện thời tiết cực đoan về lũ, lụt, úng, hạn, thiếu nước, ô nhiễm như quan điểm chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 36-KL/TW và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; tiến hành điều tra cơ bản về tài nguyên nước, chất lượng rừng, hạ tầng kĩ thuật ngành nước để có kế hoạch bảo vệ, khai thác, phát triển sử dụng nhằm phát huy cao nhất giá trị nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Có cơ chế chính sách liên quan đến quản lý bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước cần sớm được hoàn thiện một cách đồng bộ để phát huy tối đa hiệu quả kết cấu hạ tầng ngành nước. Nghiên cứu, xem xét và quyết định thống nhất những vấn đề về đầu mối công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển nguồn tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nghiên cứu giải pháp nâng cao dung tích hồ chứa nước đảm bảo an ninh nguồn nước; nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa thuỷ lợi hư hỏng, xuống cấp; sớm kiện toàn, hoàn thiện tổ chức khai thác công trình thuỷ lợi, bảo đảm các công trình thuỷ lợi đều có các đơn vị khai thác đủ năng lực theo quy định hiện hành nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Diễn biến của thiên tai ngày càng gay gắt và phức tạp, biến đổi khí hậu thất thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân tỉnh Kon Tum cũng như tác động đến an ninh nguồn nước và công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa. Do vậy, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và công tác quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện biến đổi khí hậu” nhằm góp tiếng nói khoa học vào việc thực hiện Kế hoạch số 76-KH/TU và Kế hoạch số 425/KH-UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 36-KL/TW trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đây là tâm huyết, trách nhiệm của nhà khoa học, các ngành với mong muốn góp phần vào việc bảo vệ an ninh nguồn nước của Kon Tum, vào sự phát triển của địa phương.
Đặng Thanh Long