Giải cứu và liên kết

24/03/2021 13:04

“Giải cứu nông sản” là cụm từ liên tục được người dân, truyền thông và các chương trình nghị sự nhắc đến trong thời gian gần đây. Hết giải cứu dưa hấu, heo thịt, gà thịt, lại đến rau, hoa… Nhưng, giải cứu - đúng nghĩa cứu vớt, cứu thoát như cách gọi - chỉ là biện pháp tạm thời. Phát triển sản xuất nông nghiệp là một chiến lược mang tính lâu dài nên không thể mãi trông chờ vào những lần giải cứu.

Giải cứu và... giải cứu

Sau đợt giải cứu rau củ vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu cho nông dân các tỉnh Hải Dương, Hà Nội… thì thời điểm này các tổ chức, cá nhân lại tiếp tục kêu gọi giải cứu cam sành cho người nông dân các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang…. Nhìn những vườn cam được quay, chụp từ trên cao xuống chín vàng cả cây, thậm chí không thu hái kịp, trái rụng lăn lóc bên gốc cây, bên dọc các lối đi… mà xót xa. Nhìn những gương mặt khắc khổ, thẫn thờ của người nông dân mà đắng lòng.

Mà nào đâu chuyện của người nông dân các tỉnh phía Bắc, của Lâm Đồng, của Phú Yên…, nông dân Kon Tum cũng không ngoại lệ. Năm ngoái, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, người trồng dưa hấu ở Đăk Hà, Đăk Tô gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải cứu dưới nhiều hình thức như: mua dưa hấu phát miễn phí làm từ thiện, đến tận vườn thu mua tiêu thụ giúp nông dân…

Chưa vơi nỗi buồn với người trồng dưa hấu, lại đến nỗi buồn của người chăn nuôi gà. Cũng do dịch bệnh Covid-19, các nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới… tạm dừng hoạt động đã khiến các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh đứng ngồi không yên vì không tìm được đầu ra. Dù đã giảm giá sâu, chỉ 60 nghìn đồng/kg nhưng mà đầu ra vẫn khó. Đã thế, khác với các loại nông sản khác, không thể cầm chừng được, gà hàng ngày vẫn cứ phải cho ăn, vẫn cứ phải chăm mà trọng lượng thì chẳng tăng là bao, nên trừ chi phí con giống, thức ăn… lỗ cầm chắc trong tay. Đành tự cứu mình, nhiều hộ chăn nuôi gà đã đăng tải trên mạng xã hội kêu gọi giải cứu. Một số tổ chức, cá nhân cũng hỗ trợ kêu gọi (trong phạm vi nhỏ) các gia đình sử dụng thịt gà trong các bữa cơm gia đình. Người chăn nuôi gà tận dụng các mối quen biết để chào bán, sẵn sàng đưa đến tận nhà theo yêu cầu của khách hàng. Bán được con nào hay con ấy. Có người ở xa, mua chỉ một con nhưng cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, chỉ mong vớt vát thu hồi được đồng vốn...

Giải cứu dưa hấu tại siêu thị Co.opmart Kon Tum. Ảnh: N.P

 

Chưa hết, ngay trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, người trồng rau trên địa bàn  thành phố Kon Tum lại thấp thỏm khi giá rau, đặc biệt là rau xà lách xuống thấp. Mưa thuận gió hòa, các loại rau sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất rất cao. Nhưng nhìn những vườn rau xà lách mơn mởn vơi dần theo kiểu nhỏ giọt mà người trồng rau lại xót xa. Giá cả xuống thấp, chỉ khoảng 1 nghìn đồng/kg ngay tại vườn; đã vậy thương lái không đến mua, nếu có mua cũng theo kiểu cầm chừng. Trong khi đó, rau đến kỳ thu hoạch, chỉ cần vài hôm không thu hái sẽ bị hư hại. Và để vớt vát được đôi đồng vốn, người trồng rau lại tiếp tục kêu gọi giải cứu…

Nông sản có chu kỳ sinh trưởng, phát triển nhất định. Đến kỳ thu hoạch thường rộ lên cùng một thời điểm, khó mà lần lữa, kéo dài thời gian. Nên trong những trường hợp thu hoạch rộ, không có đầu mối tiêu thụ, người sản xuất đành phải trông chờ vào… giải cứu.

Tùy theo quy mô, số lượng, những cuộc giải cứu sẽ dừng trong phạm vi lớn, nhỏ khác nhau. Có những cuộc giải cứu quy mô lớn, nhận được sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, cá nhân, nông sản được giải cứu được đưa vào các siêu thị, cửa hàng và ghi rõ là nông sản giải cứu. Nhưng cũng có những trường hợp kêu gọi giải cứu chỉ trong phạm vi nhỏ, kiểu đơn lẻ một vài cá nhân có số lượng sản phẩm nhiều trong một thời điểm kêu gọi những người xung quanh hỗ trợ.

Nhưng, dẫu lớn, dẫu nhỏ, dẫu chỉ là đơn lẻ theo kiểu bày bán nông sản (gà, trứng cút, rau, dưa....) ở một góc phố và gắn mức giá kèm theo dòng chữ kêu gọi giải cứu, hay có quy mô lớn, thời gian kéo dài, tác động trên diện rộng thì đều nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân. Và nhìn chung, các hoạt động giải cứu giúp người nông dân trong thời gian qua được đánh giá là kịp thời, nhân văn.

Liên kết để phát triển

Nông sản không có đầu ra, ùn ứ, rớt giá ngày càng nhiều, tần suất khá dày. Và theo đó, cụm từ “giải cứu nông sản” dần trở nên quen thuộc.

Cũng dễ hiểu là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta ngoài các sản phẩm chủ lực (lắm khi cũng lao đao như mì, cao su...) có sự ổn định tương đối, còn lại các loại cây, con khác chưa có đầu ra ổn định. Trong bối cảnh quy trình sản xuất – tiêu thụ chịu nhiều ảnh hưởng khách quan thì tình trạng sản xuất tự phát, mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy nuôi, không theo sự định hướng, sự cảnh báo của địa phương, của ngành chức năng thì khủng hoảng thừa sẽ là tất yếu.

Người dân liên kết với doanh nghiệp trồng chanh dây. Ảnh: N.P

 

Và khi đã khủng hoảng thừa thì tất yếu sẽ là những cuộc kêu gọi giải cứu. Còn nhớ năm ngoái, sau khi kêu gọi giải cứu thành công đàn gà hơn nghìn con, chị bạn – nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi gà tiếp tục tái đàn. Chị chân tình mà nói rằng, vừa phải kêu gọi giải cứu xong nên cũng lo lắm. Nhưng nếu không tái đàn thì chị chưa biết phải tìm việc gì làm để kiếm kế sinh nhai. Chỉ mong sao mọi việc thuận lợi, gà đến lứa xuất bán có đầu ra ổn định, được đơn vị nào đó liên kết nhận bao tiêu thu mua luôn toàn bộ thì càng tốt.

Có lẽ không chỉ trường hợp chăn nuôi gà như vừa kể, mà hầu hết người nông dân trên địa bàn tỉnh đều mong có sự ổn định, chủ động trong kế hoạch sản xuất.

Họ có trông đợi vào các cuộc giải cứu không? Phải khẳng định là không.  Chẳng ai khi đang hồ hởi vào vụ lại nghĩ đến chuyện giá cả xuống thấp, không có đầu ra sản phẩm. Chỉ khi vào thế chẳng đặng đừng, nhìn rẫy vườn đến kỳ thu hái mà chẳng thương lái nào hỏi mua, nhìn chuồng gà cả nghìn con, đàn lợn vài trăm con đến kỳ xuất bán mà chẳng thể nào bán được… thì họ mới buộc nghĩ đến chuyện giải cứu. Và dẫu biết kịch bản giải cứu đắng lòng nhưng vì họ chưa biết chọn lối đi, hướng đi khác và vì những băn khoăn, rào cản cũ nên chưa có sự liên kết trong sản xuất đành tự nhủ, thôi thì, được ăn cả ngã về không.

Nhưng, làm kinh tế không thể trông chờ vào những tấm lòng nhân ái, vào những lần được ăn cả ngã về không ấy. Thực tế đã cho thấy, giải cứu chỉ mang tính tức thời và cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.  Vì các cuộc giải cứu đã diễn ra trong nhiều năm qua, của nhiều mặt hàng nông sản trên diện rộng chứ không mang tính cá biệt. Vì đã nói đến giải cứu, đến hỗ trợ thì người mua cũng chỉ mua 1-2 lần, chẳng ai có thể ngày ba bữa, hết ngày này qua ngày khác chỉ độc tôn một món (chưa nói đến chuyện vì  khó tìm đầu ra nên khâu thu hoạch, bán sản phẩm cũng khó đạt độ tươi ngon, dinh dưỡng tốt nhất). Vì có những mặt hàng nông sản không chỉ giải cứu một lần, mà có tới lần hai, lần ba..., ví dụ như dưa hấu. Vì sau các cuộc giải cứu ấy, với mức giá rất thấp, người sản xuất trừ chi phí, công chăm sóc cuối cùng cũng chẳng lời lãi được đồng nào, nếu không nói là lỗ vốn... 

Làm gì để bà con không rơi vào cảnh đầu mùa hăm hở, cuối mùa chờ “giải cứu”? Làm gì để bà con chủ động được với kế hoạch sản xuất và sản phẩm?

Một vấn đề không mới nhưng chẳng cũ chính là tính liên kết. Liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp; nông dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.... Đây được xem là hướng đi theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Chẳng hạn như liên kết giữa nhà nông (48 hộ nông dân trồng mía ở  Đăk Trăm, Văn Lem, Ngọc Tụ của huyện Đăk Tô) với doanh nghiệp (Công ty cổ phần  Đường Kon Tum) trên diện tích gần 20 ha đã cho thấy rõ hiệu quả trong 4 năm qua. Bên doanh nghiệp tổ chức sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; bên trồng mía  đáp ứng các tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra và bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Nhờ liên kết, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo theo yêu cầu. Người nông dân nơi đây chủ động với sản phẩm, yên tâm đầu ra, thu nhập ổn định (lợi nhuận sau khi trừ chi phí 35 triệu đồng/ha) và đặc biệt là không bị tái diễn nỗi lo mía đã trổ bông mà chờ mãi vẫn chưa đến ngày được chặt đốn...

Tất nhiên không phải mối liên kết nào cũng bền chặt, hiệu quả như trường hợp vừa nêu. Vẫn còn tình trạng có liên mà không có kết, vẫn còn những băn khoăn. Kiểu phía người sản xuất lo khi nguồn cung dồi dào, bị o ép giá, thậm chí không được thu mua. Còn phía doanh nghiệp lo khi khan hiếm, giá cao, bà con sẵn sàng bội tín, khiến cho doanh nghiệp rơi vào thế bị động …

Những băn khoăn, lo lắng đó không phải là không có lý và đó cũng chính là rào cản cần phải vượt qua trong quá trình liên kết. Tuy nhiên, cùng với những chiến lược, định hướng phát triển nông nghiệp của các cấp, các ngành thì thực tế đã chứng minh, sự chủ động trong việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp –nông dân, nông dân –nông dân, nông dân - hợp tác xã...  cũng là một cách để bớt đi điệp khúc buồn... “giải cứu nông sản”.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác