05/07/2017 14:05
Quầy thịt heo an toàn của nông dân Đặng Văn Phùng
Cách đây 1 tuần, người tiêu dùng các xã Đăk Kan, Đăk Xú, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) rất phấn khởi vì khu vực địa bàn vừa khai trương cửa hàng thịt heo an toàn mang thương hiệu “Ngọc Hồi Xanh” (đặt tại thị trấn Plei Kần). Điều đặc biệt, chủ cửa hàng này là anh Đặng Văn Phùng ở thôn 2, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi - một hộ nông dân làm nghề chăn nuôi heo theo hướng an toàn bỏ vốn đầu tư.
|
Đưa chúng tôi tham quan cửa hàng thịt heo an toàn “Ngọc Hồi Xanh”, ông Nguyễn Cường – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi cho biết, sau thời gian giá heo trên thị trường tụt dốc mạnh, hộ chăn nuôi heo Đặng Văn Phùng mạnh dạn làm đơn gửi chính quyền địa phương cho phép mở cửa hàng bán thực phẩm heo an toàn để “giải cứu” đàn heo hàng trăm con của gia đình mình.
Từ lâu, hộ gia đình anh Đặng Văn Phùng được biết đến là hộ chăn nuôi heo trang trại lạnh, theo hướng chăn nuôi an toàn. Hàng tháng, từ thức ăn cho đến nguồn nước uống, nước tiểu của đàn heo của gia đình anh Phùng đều được thú y kiểm dịch và kiểm tra về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở chăn nuôi của anh Phùng cũng đã được Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum chứng nhận là cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh sản phẩm.
Qua kiểm tra thực tế và xuất phát từ nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn, huyện đã thống nhất cho chủ trương đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn hộ nông dân này các bước để làm các thủ tục mở cửa hàng như một mô hình làm điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng cho các hộ chăn nuôi heo theo hướng an toàn và có quy mô trên địa bàn.
Anh Đặng Văn Phùng - chủ cửa hàng thịt heo an toàn “Ngọc Hồi Xanh” chia sẻ: Nhiều tháng qua, giá heo hơi “tụt dốc” mạnh chỉ còn 20.000-23.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lỗ đậm, trong đó có gia đình tôi. Tự tin với cách chăn nuôi heo an toàn vì sức khỏe và nhu cầu thị trường nên tôi mạnh dạn đề xuất với chính quyền các cấp tạo điều kiện cho mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn để tự “giải cứu” đàn heo của mình.
Với cam kết “5 không”: không chất tạo nạc và tăng trưởng, không vi sinh vật vượt ngưỡng gây bệnh, không chất bảo quản, không kháng sinh vượt ngưỡng gây hại, không có kim loại nặng và “an toàn từ trang trại đến bàn ăn” với quy trình khép kín từ việc tự chăn nuôi, tự giết mổ đến bán sản phẩm an toàn nên mỗi buổi sáng, cửa hàng của anh Phùng tiêu thụ từ 3-4 con heo thịt.
Với người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi thì đây không chỉ được xem là cửa hàng thực phẩm an toàn mà còn là cửa hàng thịt heo “bình ổn giá”. Còn theo tính toán của anh Phùng, chuỗi quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ này giúp gia đình anh nâng mức giá heo hơi lên 35.000 đồng/kg, hạn chế được thiệt hại.
“Với việc cắt giảm trung gian, không qua thương lái nên giá cả thịt heo tại cửa hàng của anh Phùng luôn thấp hơn giá thị trường từ 10.000-15.000 đồng/kg; giải quyết được bức xúc của người tiêu dùng, vì thực tế thời gian qua giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá sản phẩm thịt heo do các thương lái thu mua và tự giết thịt bán ra thị trường vẫn không hề giảm” - ông Nguyễn Cường nhận xét.
Xây dựng mô hình chăn nuôi theo chuỗi thực phẩm
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi, hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện gần 2.800 con (gần 800 con heo nái và gần 2.000 heo thịt), trong đó có 6 hộ chăn nuôi với quy mô lớn từ 200 con heo thịt trở lên.
|
Hiện tại, với giá heo hơi trên thị trường dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lỗ đậm với mức thua lỗ trung bình từ 1-1,5 triệu đồng/con.
Trước tình hình trên, huyện Ngọc Hồi đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi heo theo dõi diễn biến thị trường để cơ cấu đàn vật nuôi phù hợp; không nên phát triển đàn heo với quy mô lớn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi truyền thống như tận dụng và sử dụng thức ăn xanh, phế phẩm nông nghiệp vào quy trình chăn nuôi để giảm giá thành chi phí, đảm bảo có lợi nhuận; vận động người chăn nuôi chú ý vấn đề an toàn thực phẩm, chăn nuôi theo chuỗi an toàn, giá cả hợp lý thu hút người tiêu dùng tin tưởng, từ đó tăng số lượng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt heo trên địa bàn; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắcxin phòng bệnh cho đàn heo, hạn chế dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại về kinh tế.
Huyện Ngọc Hồi cũng đã chỉ đạo các ban ngành hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng mô hình chăn nuôi theo chuỗi thực phẩm: sản xuất, sơ chế, tiêu thụ (như mô hình của hộ gia đình anh Đặng Văn Phùng); thông tin các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến các đơn vị, doanh nghiệp, các bếp ăn tập thể và nhân dân trên địa bàn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt heo trên địa bàn huyện, góp phần chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi - ông Nguyễn Cường cho biết.
Bài, ảnh: Tú Quyên