07/06/2017 18:06
Thời điểm này, nông dân đã chuẩn bị thu hoạch thu xong vụ tiêu 2016 - 2017, hiện tại, giá tiêu hạt chỉ còn 85.000 đồng/kg, giảm khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg so với hồi đầu vụ, giảm bằng một nửa so với mức giá niên vụ trước và giảm tới khoảng 130.000 đồng/kg so với thời điểm năm 2012. Đặc biệt, suốt từ đầu vụ, giá hồ tiêu liên tục thay đổi từng ngày theo chiều hướng xấu đi khiến người nông dân đứng ngồi không yên.
Trong những năm qua, trước việc một số sản phẩm nông sản của một vài loại cây trồng như cao su, mì mất giá, trong khi giá tiêu liên tục tăng cao nên nhiều nông dân đã chạy theo phong trào trồng cây hồ tiêu.
|
Ở Kon Tum, so với những loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, diện tích hồ tiêu không lớn lắm, nhưng cũng đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Tổng diện tích cây hồ tiêu toàn tỉnh tính đến hết năm 2016 là 247,4ha; chủ yếu là người dân phát triển tự phát. Diện tích hồ tiêu tập trung ở một số địa phương như thành phố Kon Tum có 17ha, Đăk Hà có 78,4ha, Đăk Tô có 54,7ha, Sa Thầy có 31,6ha, Kon Rẫy có 47,9ha và Ia H’Drai có 17,8ha.
Tuy nhiên, trên thực tế diện tích hồ tiêu còn cao hơn bởi trong các tháng đầu năm nay chưa có con số thống kê và theo tìm hiểu của chúng tôi có những địa phương diện tích cây tiêu khá lớn nhưng lại chưa được thống kê chẳng hạn như huyện Ngọc Hồi hiện có tới 67ha.
Điều đáng nói là hiện nay, cây hồ tiêu vẫn chưa đưa vào quy hoạch phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh và theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì tỉnh ta được quy hoạch ngoài vùng trọng điểm với diện tích chỉ 100ha. Như vậy, với diện tích thực tế hiện nay đã vượt xa so với quy hoạch.
Hầu hết diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh mới chỉ trồng vài năm nay khi giá tiêu hạt ở ngưỡng cao và đa số mới chỉ được thu 1 - 2 vụ nên chưa được hưởng nhiều lợi nhuận khi giá cao.
Từ niên vụ trước giá tiêu đã có chiều hướng đi xuống, nhưng so với nhiều loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế cây tiêu mang lại vẫn còn rất hấp dẫn nên nhiều hộ dân không ngần ngại mở rộng diện tích. Tuy nhiên, bước vào niên vụ này giá tiêu đã giảm sâu tới mức đã gần sát với chi phí sản xuất.
Hiện nay, nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở đang đứng trước những lựa chọn hết sức khó khăn, đặc biệt đối với những hộ phải đi vay vốn đầu tư trồng tiêu, với mức giá như hiện tại thì việc bán hay trữ hàng đều không phải là quyết định dễ dàng. Bởi theo tính toán của nhiều người, trữ lại hồ tiêu thì người dân gặp khó khăn về tiền bạc và cả áp lực trả nợ đầu tư, còn nếu bán đi thì với mức giá hiện tại, bà con khó có thể thu hồi được vốn, nhưng nếu để lại giá hồ tiêu tiếp tục giảm sâu thì nông dân càng bị lỗ và khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Thọ Yên (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Nhà tôi có hơn 2 sào tiêu, mới được thu hoạch 3 năm nay. Các vụ trước tiêu còn được giá thì thu nhập cũng tạm tạm chứ năm nay ngoài việc năng suất, sản lượng giảm, giá cả lại xuống dốc không phanh khiến ruột gan tôi rối như tơ vò. Thấy giá tiêu cứ giảm từng ngày, tôi thấy tiếc nên trữ lại chờ xem thế nào, nhưng giữ lại thì cũng lo, bởi nếu giá cả không lên mà có khi còn đi xuống, trong khi tiền vay để đầu tư thì vẫn cứ phải chịu lãi hằng ngày, rồi đến thời gian trả nợ thì đắt rẻ gì cũng phải bán, có khi còn lỗ nặng hơn.
Việc giá tiêu giảm, lợi nhuận từ trồng tiêu không còn nhiều như trước đây, chưa kể mức đầu tư ban đầu khá, khiến nhiều nông dân lại phập phồng lo lắng về việc gắn bó với loại cây trồng này.
Anh Phạm Nam Tước (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ: Năm ngoái, tôi mới xuống giống trồng gần 4 sào tiêu. Năm nay bắt đầu cho quả bói, sản lượng không nhiều nên việc giá tiêu giảm cũng không chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì đầu tư trồng tiêu rất tốn kém, mỗi sào cũng gần 100 triệu đồng, lại rủi ro cao, chỉ lơ là hoặc chăm sóc, phòng bệnh sai một chút là tiêu chết, nếu tiêu được giá thì còn mau lấy lại vốn; nhưng nếu giá tiêu cứ giữ ở mức thấp như thế này thì người trồng tiêu sẽ rất chật vật vì biết bao giờ mới lấy lại được vốn, nếu không may bị rủi ro, tiêu thu được vài vụ bị chết có khi còn mất cả vốn.
Theo ông Vũ Văn Đãn - Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên cơ sở các điều kiện để phát triển hồ tiêu trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người nông dân không nên tự phát trồng hồ tiêu ồ ạt khi giá tăng cao. Để trồng được cây hồ tiêu yêu cầu về các điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, giống, kỹ thuật trồng… rất chặt chẽ, đòi hỏi trình độ thâm canh rất cao, kèm theo đó là việc đầu tư rất lớn. Chính vì vậy, người dân chỉ trồng hồ tiêu ở những vùng hội tụ đủ các điều kiện để phát triển hồ tiêu, với diện tích rất nhỏ nhằm tránh rủi ro...
Thế nhưng, trên thực tế nhiều nông dân đã bất chấp những khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, không lường hết được những rủi ro mà chỉ chăm chăm nhìn vào lợi nhuận trước mắt, tức là chỉ thấy giá tiêu lên cao thì đua nhau trồng. Điều này khiến cho diện tích cây tiêu trên địa bàn tăng nóng vài năm trở lại đây và vượt ra ngoài cả định hướng, quy hoạch của ngành Nông nghiệp. Và bây giờ, khi hồ tiêu mất giá lại tỏ ra hoang mang, lo lắng.
Giá tiêu giảm mạnh khiến người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng khi thấy giá lên thì ồ ạt trồng nhưng khi giá xuống lại nao núng và phá bỏ như đã từng xảy ra với nhiều loại cây trồng, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên dao động vì giá cả các loại nông sản, nhất là những loại cây trồng dài ngày vẫn có những lúc lên xuống thất thường, nhưng về lâu dài vẫn cho hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, nông dân cần thận trọng khi trồng tiêu vì đây là loại cây kén đất, khó tính, chứa nhiều rủi ro.
Thuỳ Hương