01/10/2018 06:59
Thời điểm này thông tin được các bà nội trợ quan tâm nhất là giá thịt heo bán tại các chợ đang ở mức cao. Cụ thể, giá thịt heo các loại tại chợ Duy Tân (thành phố Kon Tum) đều tăng từ 15.000đ-20.000 đ/kg so với tháng trước, như ba chỉ, thịt mông, chân giò 80 ngàn đồng/kg; sườn, cốt lết 90 ngàn đồng/kg.
Chị M, một người bán thịt heo trên đường Nguyễn Viết Xuân cho hay, sở dĩ giá thịt heo tại các chợ trên địa bàn tỉnh tăng như vậy là do giá heo hơi tăng cao.
"Nếu như trong các tháng 6, 7, giá heo hơi xuất chuồng có xu hướng giảm nhẹ sau kỳ tăng mạnh đầu năm thì đến nay đã tăng nhanh trở lại. Tính đến sáng 26/9, heo hơi đang được thương lái mua với giá trung bình 50.000đ/kg"- chị M thông tin.
|
Giá heo hơi tăng khiến người chăn nuôi vừa mừng lại vừa... lo. Chị Mai Thị Kim Liên (thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh) có 5 heo nái và đàn heo thịt 30 con gần đến ngày xuất chuồng. Vừa chăm sóc đàn heo chờ ngày bán, chị vừa nghe ngóng tình hình để có sự điều chỉnh phù hợp.
Giá heo hơi hiện đang dao động ở mức 48.000đ - 52.000đ/kg tại chuồng, tùy chất lượng heo. So với cùng kỳ năm ngoái thì mức giá tăng mạnh. Tuy vậy, bên cạnh niềm vui khi mỗi lứa heo thịt xuất chuồng giá cao, có lãi, thì người chăn nuôi lo lắng vì nhiều lẽ- chị Liên chia sẻ.
Theo chị Liên, từ khi giá heo hơi tăng cao, các chi phí đầu vào cũng tăng theo, như chi phí thức ăn, tiêm phòng vắc xin, nhân công lao động... Đặc biệt là giá con giống tăng vọt, hiện ở mức 100.000 đ/kg; giá cám cũng tăng bình quân 15-20.000 đ/bao (loại 25kg). Tính chi li thì người chăn nuôi lãi cũng không đáng kể, khoảng 500.000 đ/con.
Trong khi đó, người chăn nuôi không thể “chốt” giá xuất bán khi bắt tay vào lứa nuôi, tất cả phụ thuộc vào mức ra giá của thương lái khi đến thu mua, thành ra lứa heo nào cũng vừa nuôi vừa phập phồng.
Một thương lái đang ngắm nghía đàn heo của gia đình chị Liên cho biết, lượng heo thịt trong dân vẫn khá dồi dào, việc buôn bán diễn ra bình thường, không có chuyện các hộ chăn nuôi “găm hàng”.
Giá heo hơi liên tục tăng mạnh thời gian qua đã nhen nhóm hy vọng nuôi heo gỡ vốn của bà con nông dân. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, nhiều người nuôi vẫn đang lưỡng lự nên hay không nên tăng đàn, tái đàn trong thời điểm hiện nay.
Bà con lưỡng lự, băn khoăn là điều dễ hiểu- chị Liên phân tích- Việc tái đàn đối với không ít hộ chăn nuôi rất khó, vì đã lỗ nặng, thâm chí kiệt quệ trong thời điểm giá heo giảm sâu, bán hết heo hơi lẫn heo giống để trả nợ. Hiện giá heo hơi cao, kéo theo heo giống, cám cũng tăng, mua 1 con heo giống 10 kg cũng mất cả triệu đồng, không phải gia đình nào cũng có tiền đầu tư. Chỉ có các hộ còn duy trì được heo nái mới có thể mạnh dạn tái đàn, tăng đàn.
Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng, không biết mức giá này sẽ kéo dài được bao lâu cũng ảnh hưởng đến việc quyết định tăng đàn hay không. Nhiều người băn khoăn chưa dám đầu tư tái đàn và tăng quy mô vì sợ thị trường lại rơi vào tình trạng cung vượt cầu, giá heo giảm sâu, như dịp Tết năm ngoái không xuất bán được thì... vỡ nợ.
Theo các nhà quản lý, với thị trường thịt heo như hiện nay, người dân không nên tăng quy mô đàn một cách ồ ạt, bởi như vậy có thể dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu trong chu kỳ xuất bán sắp tới.
Bên cạnh đó, điều người nuôi cần chú trọng hiện nay là đẩy mạnh các biện pháp tăng năng suất sinh sản và năng suất đàn heo thịt, từ đó nâng sản lượng heo hơi xuất chuồng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với trường hợp tái đàn, cần chọn con giống có nguồn gốc, chất lượng tốt, được tiêm phòng các bệnh theo quy định.
Các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tạo mối liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ; kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Hồng Lam