Giá cà phê tăng cao, hồ tiêu giảm sâu

01/03/2017 07:59

​Từ đầu năm đến nay, giá cà phê trên thị trường liên tục tăng cao. Tuy nhiên, trái ngược với cà phê, giá hồ tiêu lại đang giảm sâu khiến người trồng rất lo lắng khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới.

Ấn tượng giá cà phê

Hiện tại, giá cà phê trên thị trường Kon Tum đã lên mức 45,5 - 46 triệu đồng/tấn. Việc giá cà phê nhích lên là tín hiệu vui cho ngành cà phê, tuy nhiên, số lượng hộ dân còn tích trữ không nhiều.

Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm nông dân ồ ạt bán ra hoặc chốt giá là lúc giá cà phê ở ngưỡng 42 – 43 triệu đồng/tấn. Hiện nay, lượng cà phê còn lại chủ yếu nằm trong các tiểu thương, các nhà đầu cơ, doanh nghiệp.

Niên vụ cà phê này, giá cà phê đã neo ở mức cao ngay từ đầu vụ thu hoạch. Chính vì thế, nhiều hộ dân không dám mạo hiểm găm hàng mà chọn hình thức thu hoạch đến đâu bán đến đó để giảm bớt công phơi, trông coi, bảo quản; một bộ phận người dân tích trữ lại cũng đã chốt giá sớm cho chắc ăn.

Bên cạnh đó, sức ép từ việc tái đầu tư cho vụ mới và nhu cầu cuộc sống cũng buộc nhiều hộ phải bán cà phê sớm. Số hộ dân có điều kiện để tích trữ cà phê không nhiều và hiện tại, dù giá cao nhưng họ cũng không vội vàng bán ra bởi nhiều người tin tưởng giá cà phê chắc chắn sẽ còn tăng thêm khi hiện tại nguồn hàng đã khan hiếm. Do đó, thị trường cà phê cũng không thực sự sôi động.

Mặc dù đợt tăng giá này số lượng người trồng cà phê được hưởng lợi không có nhiều, thế nhưng đây cũng sẽ là động lực để người dân đầu tư, chăm sóc cho vườn cây mang lại năng suất cao hơn trong niên vụ cà phê mới.

Giá tiêu liên tục lao dốc

Trái ngược với giá cà phê, hiện nay đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu, nhưng giá thu mua hạt tiêu lại đang giảm mạnh. Không ít người trồng tiêu thấp thỏm lo lắng vì đà giảm giá này vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá tiêu hiện tại chỉ ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg; trong khi đó, cùng kỳ năm 2016, giá tiêu nằm ở ngưỡng 145.000 – 150.000 đồng/kg, đến  giữa năm giá tiêu lên đến 180.000 đồng/kg và sau đó quay đầu giảm giá. Tuy vậy, đầu năm giá tiêu vẫn còn giữ ở mức 130.000 đồng/kg, song giá cứ giảm dần mỗi ngày.

Giá hồ tiêu giảm khiến nhiều người lại hoài nghi về giá trị kinh tế của loại cây trồng này. Ảnh: N.T

 

Nguyên nhân là do trong một thời gian dài, giá tiêu trong nước cao ngất ngưởng, có thời điểm đạt tới hơn 220.000 đồng/kg, trong khi đó giá các loại sản phẩm nông nghiệp khác giảm mạnh khiến nhiều nông dân đổ xô trồng tiêu dẫn đến nguồn cung dồi dào, doanh nghiệp ép giá thu mua đẩy giá tiêu sụt giảm.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh, cây tiêu mới chỉ phát triển mấy năm trở lại đây, nên thời điểm giá tiêu lên cao người dân hầu như mới đi trồng nên thực sự không được hưởng những mùa tiêu ngọt. Vài năm nay, khi cây tiêu bắt đầu cho sản phẩm thì giá tiêu lại liên tục đi xuống.

Mặc dù diện tích cây tiêu của tỉnh không lớn, sản lượng không nhiều; nhưng trước đà giảm giá này không ít người đang bắt đầu tỏ ra hoài nghi về giá trị kinh tế cũng như mức độ ổn định của hồ tiêu. Những người đang có tiêu thu hoạch lo lắng bởi không biết giá cả có tiếp tục xuống thấp nữa trong thời gian tới hay không và mức giá hạ đến đâu thì dừng lại. Ngay cả những người dân mới trồng hoặc đang tiến hành trồng hồ tiêu cũng lo lắng cho tương lai của loại cây trồng này.

Tiêu là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao, rất dễ mắc sâu bệnh; trong khi đó, ở Kon Tum, việc tiêu thụ hồ tiêu hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên có thể nói mức độ rủi ro của cây tiêu là rất cao. Với mức giá hiện tại thì lợi nhuận của người trồng tiêu không nhiều và đây thực sự không còn là loại cây trồng hái ra tiền như mấy năm về trước.

Thực tế cho thấy, giá cả hàng hoá nông sản luôn luôn biến động, có lúc thăng lúc trầm, ví như giá cà phê mới niên vụ vừa qua còn ở mức thấp thê thảm thì niên vụ này đã tăng lên mức kỷ lục. Do đó, điều quan trọng là người nông dân phải vững niềm tin và gắn bó với loại cây trồng mà mình đã lựa chọn, không nên chạy theo trào lưu khi thấy giá cao thì trồng để đến lúc được thu thì giá xuống thấp lại thấy băn khoăn.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác