Giá cà phê liên tục "nhảy múa", bán hay giữ?

02/11/2018 07:38

​Khi những vườn cà phê chín rộ, cũng là lúc tâm trí của người dân dồn hết vào chuyện giá cả. Sau 1 thời gian dài đầu tư công sức, tiền của cho vườn cây, đến mùa thu hoạch, thay vì vui mừng, người trồng lại "thót tim" vì giá cả liên tục nhảy múa...

Sau mấy ngày có đà tăng nhẹ làm người trồng cà phê khấp khởi bước vào vụ thu hái mới với hy vọng giá thu mua cà phê tiếp tục tăng, thì trong các ngày 30-31/10 và ngày đầu tháng 11, giá cà phê nhân xô lại đảo chiều, giảm liên tục, khiến người dân lo ngại.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum vào sáng 1/11, tại điểm thu mua cà phê của Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng (huyện Đăk Hà) treo biển báo giá thu mua 7.400 đồng/kg (quả tươi), và 35.800 đồng/kg nhân xô.

Các đại lý thu mua khác, như doanh nghiệp Duy Trung, Văn Bảy..., cũng đồng loạt báo giá thu mua từ 7.400-7.500 đồng/kg quả tươi.  

Như vậy, giá thu mua cà phê đã giảm mạnh so với các ngày 27-29/10. Trước đó, vào ngày 27/10, giá thu mua ở các đại lý vào khoảng 37.000 đồng/kg (nhân xô).

Người dân lo lắng vì giá cà phê ''nhảy múa''. Ảnh: H.L

 

Anh S. (một hộ trồng cà phê ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cho biết, sau khi giảm "chạm đáy" vào tháng 9 (trên dưới 32.000 đồng/kg nhân xô), đến tháng 10, là thời điểm bắt đầu rục rịch thu hái niên vụ mới thì giá cà phê bắt đầu tăng, cao nhất là khoảng giữa tháng 10, các đại lý báo giá lên tới 37.700 đồng/kg (nhân xô).

Nhưng từ ngày 30/10, giá thu mua đảo chiều, giảm từng ngày, xuống 36.300 đồng/kg nhân xô, rồi 36.200 đồng, và hiện là dưới 36.000 đồng/kg nhân xô.

Việc giá cà phê tăng vào đầu vụ là tín hiệu vui, khiến nông dân chúng tôi khấp khởi mừng và hy vọng vào sự khởi sắc của thị trường. Giá tăng, bà con sẽ có tiền trả nợ và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cho niên vụ sau. Tuy nhiên, giá cả cứ lên xuống thất thường này khiến người dân "thót tim"- anh S. nói.  

Trong khi đó, một chủ vườn cà phê 3 héc ta tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà chia sẻ rằng, dù chưa thu hái cà phê, và cũng chưa quyết định chốt giá, nhưng vẫn theo dõi sát diễn biến giá cả và lo lắng khi giá thu mua cà phê mới nhích lên lại bắt đầu giảm.

Lẽ dĩ nhiên, giá cà phê liên tục lên xuống làm các doanh nghiệp, đại lý thu mua cà phê dao động, bởi nếu họ không cẩn thận sẽ bị ăn "trái đắng". Người trồng cà phê cũng nhấp nhổm, băn khoăn không biết nên tích trữ cà phê hay tiếp tục bán ra? Mà nếu bán, thì nên bán vào thời điểm nào để có lợi nhất.

Một đại lý thừa nhận, giá lên xuống chóng mặt như vậy thì không dám mạo hiểm mua vào bán ra. Một số đại lý và nhiều hộ gia đình lại chọn giải pháp tích trữ, thu gom cà phê rồi cất giữ trong kho, hoặc ký gửi, cầm cố,… do chưa thỏa mãn với mức giá hiện tại, với kỳ vọng giá sẽ tăng cao hòng mong có một mức lợi nhuận lớn hơn.

Thực tế các niên vụ trước cho thấy, đã có nhiều người nông dân, nhiều đại lý, nhiều doanh nghiệp thành công trong việc găm giữ hàng vì bán ra đúng thời điểm giá cà phê trên thị trường ở mức cao.

Tuy nhiên, đây cũng là "con dao 2 lưỡi", luôn tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi sự nhạy bén, khi găm giữ hàng cần chuẩn bị và nắm bắt thông tin thị trường chính xác, nếu cơ hội giá cao qua rồi, không bán ra mà khư khư nắm giữ, lại trở thành một điều dở.

Một đại lý thu mua có kinh nghiệm cho rằng, với diễn biến thất thường hiện nay, không nên quá cố chấp vào kỳ vọng giá sẽ đúng như tính toán, dự báo của mình. Người dân nên chia đều lượng hàng của mình ra làm 5 – 6 phần và bán rải đều với mức giá trung bình.

Điều cần lưu ý là, khi quyết định "găm hàng" chờ giá lên để có thể kiếm thêm lợi nhuận thì sẽ có nguy cơ mất dần đi sự tỉnh táo, khi giá cả cứ "nhảy múa" liên tục. Vì vậy, cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động và bình tĩnh trong quyết định tích trữ hoặc bán ra...

Hồng Lam

Chuyên mục khác