08/09/2020 06:02
Khi chúng tôi đến thăm, chị Nguyễn Thị Hoài đang tất bật bọc những quả ổi mới lớn. Chị phấn khởi khoe: Nhờ chăm sóc theo phương thức hữu cơ nên vườn ổi cho thu hoạch quanh năm, là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Bước đầu bắt tay vào thực hiện mô hình, do chỉ tham khảo qua các chương trình trên ti vi, nên chị chưa có kinh nghiệm lựa chọn giống. “Do chưa tìm hiểu kĩ, nên tôi đã mua nhầm loại giống, trồng gần 6 tháng mà vẫn chưa ra quả nên phải chặt bỏ và trồng lại” – chị Hoài tâm sự.
Sau lần đó, chị Hoài đi thực tế học hỏi kinh nghiệm từ nhiều trang trại trồng trái cây hữu cơ, tìm hiểu nhiều loại giống và lựa chọn trồng 300 cây ổi nữ hoàng trên 3 sào đất của gia đình.
|
Chị Hoài cho biết, tổng chi phí đầu tư ban đầu hết 100 triệu đồng, bao gồm tiền mua 300 cây giống từ Bến Tre, thuê công nhân xuống giống và lắp đặt hệ thống tưới tự động. Rút kinh nghiệm từ lần xuống giống trước, lần này chị tìm hiểu kỹ và đo đạc khoảng cách rất cẩn thận, giữa cây với cây là 3m, hàng với hàng là 3,5m. Trước khi xuống giống, chị ủ phân bò khô vào các hố trước 2 tháng để phân hoai mục.
Để vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, chị Hoài luôn tuân thủ các quy trình chăm sóc từ việc tưới tiêu, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh. Chị lắp đặt hệ thống tưới tự động, số lần tưới tùy thuộc vào từng mùa và độ tuổi của cây.
Về phân bón, chị Hoài chỉ dùng các loại phân hữu cơ. Trung bình một năm bón 2 lần, chi phí 10 triệu đồng/lần. Chị sử dụng phân bò ủ chuồng, phân gà, chim cút trộn với chế phẩm trichoderma để bón cho cây.
“Khi trộn phân với chế phẩm trichoderma sẽ tạo ra loại nấm đối kháng có tác dụng cao trong việc tấn công, ức chế nhiều loại nấm bệnh cây trồng; bên cạnh đó còn thúc đẩy quá trình phân hủy hữu cơ, giúp đất tơi xốp và giữ được độ phì của đất” – chị Hoài cho biết.
|
Để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, chị Hoài chỉ dùng các phương pháp sinh học. Theo chị Hoài, các bệnh mà cây ổi hay gặp phải là rệp sáp, bọ cánh cứng và ruồi vàng. Phương pháp chị Hoài áp dụng rất hiệu quả là sử dụng thiên địch kiến vàng, bắt tay thủ công và bao bọc quả.
Một trong những kinh nghiệm được chị Hoài chia sẻ: “Bắt bọ cánh cứng nên bắt vào buổi tối, thời điểm này chúng không thấy đường bay và đậu theo đàn trên lá hoặc cành cây nên rất dễ bắt. Sau khi có quả, tôi bọc lại cẩn thận, vì đây là giai đoạn quả phát triển rất nhanh nên tránh sự xâm nhập của côn trùng”.
Trên thị trường, ổi hữu cơ có giá trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg. Vì chị không phun hóa chất nên vỏ quả ổi không căng bóng, ít bắt mắt, thế nhưng, bởi người tiêu dùng luôn chú trọng yếu tố sạch và chất lượng, vì thế vườn ổi của gia đình chị chỉ đủ cung cấp cho người quen và một số cửa hàng trái cây sạch trong thành phố.
Trồng từ năm 2017, sau 4 tháng, vườn ổi đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm thu hoạch hơn 5 tấn, trừ mọi chi phí chị thu lãi 75 triệu đồng/năm.
Chị Hoài hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều người trồng cây ăn quả theo phương thức hữu cơ hơn. “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cây trồng”- chị Hoài cởi mở.
Trao đổi về mô hình trồng ổi theo phương thức hữu cơ của chị Hoài, ông Trần Diệp Duy – Chủ tịch UBND phường Ngô Mây cho biết: Chính quyền luôn tạo điều kiện, khuyến khích người dân đầu tư trồng các loại cây ăn quả theo phương thức hữu cơ. Vườn cây của chị Hoài không chỉ hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho người trồng và tiêu dùng, hơn nữa còn góp phần bảo vệ môi trường.
Văn Tùng