Gắn bảo vệ rừng Chư Mom Ray với phát triển du lịch

13/02/2019 13:01

​Chư Mom Ray - di sản thiên nhiên ASEAN không chỉ được biết đến bởi sự đa dạng sinh học mà còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Việc gắn kết bảo vệ rừng với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Bảo vệ đa dạng sinh học

Vườn quốc gia Chư Mom Ray - di sản thiên nhiên ASEAN có 56.249,2ha rừng nằm trên địa bàn các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), Sa Loong, Bờ Y, Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi). Trong vườn, có hệ động - thực vật phong phú, đa dạng cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú có thể khai thác du lịch phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu khoa học.

Theo ông Đào Xuân Thủy - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, về thực vật, kết quả điều tra, nghiên cứu thống kê thì Vườn quốc gia Chư Mom Ray có 1.895 loài (có 80 loài quý, hiếm), thuộc 184 họ và 877 chi. Các loài thực vật quý hiếm như kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai…

Đường vào thác Khỉ có rất nhiều cây cổ thụ. Ảnh: V.N

 

Về động vật, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có 950 loài, thuộc 44 bộ, 155 họ và 610 chi. Trong đó, có 120 loài thú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt và 365 loài côn trùng.

Đặc biệt, Chư Mom Ray có 86 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các loài động vật quý hiếm như: bò tót, bò rừng, trâu rừng, hổ, báo hoa mai và voọc chà vá... Qua nghiên cứu, các nhà khoa học còn cho rằng, có thể trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn có bò xám, nai cà tong và hươu vàng. Các đối tượng này được ưu tiên bảo tồn hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong việc bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Chư Mom Ray thành lập Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho biết, Trung tâm đang cứu hộ khoảng 150 loài lan với trên 1.500 giá thể lan. Ở đây, có các loài lan quý hiếm như: hài vân, giả hạt, hoàng long, thanh đạm, mỹ dung, dạ hương... Khi tôi đến đang mùa đông, nhưng ở khu cứu hộ lan vẫn có nhiều loài lan nở hoa rất đẹp.

Còn tại khu cứu hộ các loài thú, chúng tôi thấy nào là khỉ, trăn, rùa, voọc... Trong vườn thực vật, Trung tâm trồng, bảo vệ, di thực nhiều loại thực vật quý hiếm như trắc, cẩm lai, gõ mật, các loài lan... để bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khoa học. Hiện nay, trong vườn trồng và bảo tồn 224ha cây sao đen, dầu, muồng đen và 3ha trắc.

Trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray có các hệ sinh thái rừng: Rừng kín nguyên sinh thường xanh lá rộng; rừng thưa nguyên sinh thường xanh lá rộng; rừng kín thường xanh lá rộng; rừng trung bình nửa thường xanh lá rộng nhiệt đới; rừng nửa rụng lá mưa mùa nhiệt đới; rừng thưa thứ sinh thường xanh lá rộng; rừng tre; đồng cỏ; rừng rêu thứ sinh... cùng tồn tại.

Để bảo vệ có hiệu quả rừng và sự đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Chư Mom Ray thành lập nhiều trạm, chốt bảo vệ; đồng thời giao khoán 16.391ha rừng cho 20 cộng đồng vùng đệm các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai (huyện Sa Thầy), Bờ Y, Sa Loong, Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi).

Ở rừng giao khoán cho cộng đồng làng Ba Rgook (xã Sa Sơn) thuộc khu Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Chư Mom Ray phối hợp với huyện hỗ trợ cho người dân trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng để giúp dân kiếm thu nhập, nâng cao đời sống...

Hướng phát triển du lịch

Không chỉ giàu có về sự đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. “Hữu xạ tự nhiên hương”, hàng năm, Vườn quốc gia Chư Mom Ray thường đón tiếp nhiều đoàn khách đến nghiên cứu và khám phá cảnh quan thiên nhiên.

Trước yêu cầu đặt ra và thông qua trao đổi, học tập kinh nghiệm từ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Hoàng Liên..., từ lâu Ban giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray gắn việc bảo vệ rừng với bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như thác Khỉ, thác Bảy Tầng, thác Nàng Tiên, các hang động... nhằm hướng đến việc phát triển du lịch trong sự kết nối với các cảnh quan văn hoá, lịch sử nổi tiếng ở địa phương.

Khu cứu hộ các loài lan thu hút được rất nhiều khách tham quan. Ảnh: V.N

 

Nhìn nhận khách quan, nhiều cảnh quan thiên nhiên Chư Mom Ray không thua kém cảnh quan thiên nhiên ở những nơi khác.

Vào thăm thác Khỉ gần khu Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, tôi như thấy mình đang lạc vào khu Hoa quả sơn trong phim Tây du ký.

Trước cảnh đẹp tự nhiên, tôi đưa máy ảnh chụp liên tục như “bị ma mị”. Trong một bức ảnh, tôi đã thu được vào ống kính vòng xoáy cuốn vào thác Khỉ hình ảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng...  

Ở khu thác 7 tầng (gần Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri), không gian ở đây vừa hùng vĩ, vừa cô tịch. Nước ở thác nước chảy khi ào ào, lúc róc rách như gọi như mời, lúc lại như tiếng nhạc du dương...

Ở khu thác Nàng Tiên nằm gần ngọn chủ sơn Chư Mom Ray, nước đổ thẳng đứng trắng xoá, tạo nên một khoảng trắng miên man giữa màu xanh bạc ngàn núi rừng, tiếng nước chảy ầm ào tạo nên một cảnh quan thiên nhiên làm mê đắm lòng người, chẳng khác gì chốn “bồng lai tiên cảnh”.

Điểm qua một vài nơi như vậy, để thấy rằng tiềm năng du lịch Chư Mom Ray là rất lớn. Và, đó chính là lý do để lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Mom Ray xin chủ trương tỉnh phát triển du lịch nhằm đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng”, khai thác tiềm năng du lịch tuyệt vời này phục vụ cho việc phát triển kinh tế của địa phương; đồng thời phác thảo việc khảo sát các điểm du lịch leo núi, dã ngoại, văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng...

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Vườn quốc gia Chư Mom Ray với các điểm tham quan, du lịch khác trên địa bàn huyện như du lịch sông nước lòng hồ thuỷ điện Ia Ly, Plei Krông, di tích lịch sử Chư Tan Kra, điểm cao 1049, 1015 trên dãy đồi Sạc Ly... để phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương vẫn đang còn bỏ ngỏ.

 Văn Nhiên

Chuyên mục khác