29/09/2020 06:01
Các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã tạo thành “kiềng ba chân” tác động tích cực, giúp các hộ nghèo chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập. Qua đó, nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được nhân rộng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Đặc biệt nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28 là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, được các hộ dân đón nhận. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2020, việc cho vay theo quyết định này đối với hộ mới thoát nghèo sẽ kết thúc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai thực hiện Quyết định số 28 ngắn, chưa đảm bảo thời gian để các hộ thoát nghèo bền vững (thời hạn cho vay mỗi hộ 3 năm).
Gia đình bà Y Khik ở làng Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà là một trong nhiều hộ gia đình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và vươn lên thoát nghèo. Năm 2010, gia đình bà được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng. Nguồn vốn này được gia đình đầu tư trồng cà phê và chăn nuôi và đã vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2015. Sau khi thoát nghèo, gia đình bà Y Khik tiếp tục được hỗ trợ vay vốn nhưng cũng như nhiều hộ mới thoát nghèo khác trong tỉnh, tiếp tục phải đầu tư phân bón, công sức để mở rộng sản xuất và chăn nuôi, nhưng khi nguồn vốn chính sách này bị thu hồi họ sẽ gặp khó khăn trong sản xuất và giảm thu nhập, có nguy cơ tái nghèo trở lại.
|
Theo ông Nguyễn Văn Chung - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo là hết sức cần thiết. Chính sách này đã hỗ trợ hộ mới thoát nghèo được tiếp tục vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã triển khai chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, doanh số cho vay đạt 331 tỷ đồng với 7.777 lượt hộ được vay vốn; cho vay hộ cận nghèo đạt 432 tỷ đồng, với 10.240 lượt hộ vay vốn. Vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ thực tế triển khai tại nhiều địa phương, quá trình triển khai cho vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo bộc lộ nhiều hạn chế như tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững; chưa giải quyết triệt để vòng luẩn quẩn “nghèo – vay vốn – thoát nghèo – trả vốn – tái nghèo”.
Do vậy, đại điện nhiều bộ ngành, các địa phương và các tổ chức đoàn thể đề xuất Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo sau năm 2020 cũng như kéo dài thời hạn cho vay để đảm bảo tính bền vững của các chương trình hỗ trợ giảm nghèo - ông Chung nói.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước hiện đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Nhưng theo ý kiến đề xuất của các chuyên gia kinh tế, để hộ mới thoát nghèo có được sinh kế bền vững thì cần thiết phải kéo dài chương trình tín dụng này một thời gian gian nữa, nhằm đảm bảo hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Việc điều chỉnh thời hạn cho vay tối đa 5 năm lên 10 năm là phù hợp với chu kỳ sản xuất, phát triển của một số cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng dài như cây công nghiệp, đại gia súc... giúp nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như khả năng trả nợ của hộ vay khi đến hạn, giúp thoát nghèo bền vững, giảm nguy cơ tiếp cận với các hình thức “tín dụng đen”. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm (thời hạn cho vay theo Quyết định số 28 là 3 năm) để đảm bảo tính bền vững của các chương trình hỗ trợ giảm nghèo.
Dương Lê