Dựa vào dân để bảo vệ rừng

03/01/2017 09:07

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh thường gắn bó với rừng. Rừng cho người dân cây gỗ làm nhà, con chuột, con dúi, con chim, cây nấm, cây măng…làm nguồn thực phẩm. Người dân rất quý rừng. Dựa vào dân để bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho dân lập nghiệp, chúng ta có thể bảo vệ được rừng.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu tỉnh thực hiện một việc có ý nghĩa là biểu dương những tấm gương điển hình trong công tác bảo vệ rừng. Các đại biểu đều thống nhất rằng, phần lớn người dân sống gần rừng đều rất quý rừng. Rừng gắn bó với người dân như hình với bóng, nếu tạo điều kiện cho người dân có một sinh kế ổn định và biết dựa vào dân để bảo vệ rừng thì chúng ta có thể bảo vệ được rừng.

Đại diện cho cộng đồng về báo cáo thành tích công tác quản lý bảo vệ rừng, ông A Dú, làng Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đánh giá cao chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và việc giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng.

Không lý luận dài dòng, ông nói khi chính sách đi vào đời sống, tạo sinh kế cho người dân, người dân sẽ tham gia bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống. Sự sống của rừng và sự sống của người dân luôn gắn bó với nhau. Mùa khô 2015-2016, ở nơi nào còn rừng, nguồn nước sạch đầu nguồn còn, nước giếng còn; nơi nào mất rừng, nguồn nước khó khăn. Ông mong các cấp lãnh đạo quan tâm đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhất tạo sinh kế cho dân lập nghiệp để người dân tham gia bảo vệ tốt tài nguyên rừng.

Cộng đồng thôn Vi Chrinh, xã Hiếu, huyện Kon Plông tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.N

 

Trên thực tế khi đánh giá lại chính sách phát triển lâm nghiệp, ông Nguyễn Hoài Tâm - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, chính sách dịch vụ môi trường rừng, giao đất, giao rừng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng và đây được xem là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Để quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, nhiều hộ gia đình, cộng đồng dân cư đã lập các tổ quản lý bảo vệ rừng tự quản trong việc phối hợp và thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng ở nhiều địa phương có những chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt.

Trong quá trình thực hiện chính sách, nhất là khi quyền lợi người dân được bảo đảm sự công khai, minh bạch và góp phần tạo sinh kế cho người dân lập nghiệp, người dân sẽ phát huy vai trò của mình trong việc tuần tra, phát hiện, ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm…bảo vệ rừng được giao.

Có thể kể ra đây hàng loạt các cộng đồng điển hình trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tiêu biểu như cộng đồng thôn Kơ Bei, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy), cộng đồng thôn Vi Chrinh, xã Hiếu (huyện Kon Plông) bảo vệ rừng theo quy ước, hương ước của cộng đồng; tổ bảo vệ rừng làng Lứt, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy), thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi), thôn Kon Hia III, xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông), thôn Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô)…bảo vệ rừng theo tổ tự quản khá hiệu quả.

Về các cá nhân điển hình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, có ông A Mãi- Bí thư chi bộ thôn Mô Bành, xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông), A Đứu- Thôn trưởng thôn Kơ Bei, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy), A Dương- thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút (huyện Kon Plông), A Vùng- thôn 2, xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy), A Nhơn- Thôn trưởng thôn Đăk Trấp, xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei)… 

Dựa vào dân, vào cộng đồng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng kết hợp giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng…, tài nguyên rừng ở nhiều địa phương đang từng bước hồi sinh.

                                                                     Đào Nguyên

Chuyên mục khác