Đưa sản xuất nông nghiệp vượt khó

10/06/2020 06:06

Những tháng đầu năm 2020, cùng với tình trạng hạn hán gay gắt, dịch bệnh Covid-19 lại xảy ra, tạo nên “tác động kép” tới sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta. Vì vậy, ngay sau dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát, ngăn chặn, Chính phủ đề ra chủ trương xác lập “trạng thái bình thường mới” nhằm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế; ngành Nông nghiệp và các địa phương kịp thời đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, đưa nông nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức.

Ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Dịch bệnh Covid-19 những tháng qua gây ra những thiệt hại cho ngành Nông nghiệp tỉnh ta không phải là nhỏ. Tất cả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như tinh bột sắn, cà phê, mủ cao su, dưa hấu…đều gặp khó về đầu ra. Nguyên nhân là do hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, nhu cầu của thị trường trong nước giảm sâu, giá cả tụt dốc khiến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và người dân gặp lao đao. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến việc giao thương, ký kết các hợp đồng thương mại làm cho nguồn cung, giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp đầu vào như giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện tại, mặt hàng mủ cao su khô và mì lát khô tồn đọng trong kho của các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh còn khá lớn.

Các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn gặp khó khăn trong xuất khẩu đã đẩy giá sắn thu mua của nông dân xuống thấp. Ảnh: NT

 

Dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm cho 21 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng vì giá bán nông sản giảm mạnh, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nhất là những mặt hàng như rau củ, dưa hấu, thanh long…giá bán sụt giảm tới hơn 50% so với năm trước và lượng tiêu thụ cũng rất hạn chế.

Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán gay gắt ở một số địa phương khiến cho hơn 1.014 ha cây trồng bị khô hạn, giảm năng suất. Công tác tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi đang còn nhiều vướng mắc, chưa thể phục hồi.

Khó chồng khó khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều thách thức, thu nhập của nông dân giảm sâu, cuộc sống khó khăn.

Chuyển đổi cây trồng và cơ cấu lại một số cây trồng là giải pháp hạn chế rủi ro được tập trung thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: NT

 

Vì vậy, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh được xác lập “trạng thái bình thường mới”, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương cũng bắt tay vào thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất. Mục tiêu trước mắt  ngành Nông nghiệp đề ra là thực hiện tốt kế hoạch đề ra của năm 2020;  từng bước sắp xếp, tìm hướng đi hợp lý để tăng “sức đề kháng” cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế bớt rủi ro, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Theo đó, thời gian này, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc cây trồng, thu hoạch nông sản, điều chỉnh thời gian khai thác mủ cao su và khoảng cách giữa các lần cạo để vừa đảm bảo khả năng tiêu thụ vừa ổn định thu nhập cho nông dân. Ngành Nông nghiệp và ngành Công thương tiến hành làm việc, vận động các siêu thị nhập các mặt hàng nông sản, nhất là rau củ, trái cây đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của nông dân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, nắm bắt các thông tin về tình hình tiêu thụ nông sản để thông báo cho doanh nghiệp, người sản xuất chủ động tiêu thụ hàng hoá, giải phóng bớt hàng tồn kho, có kế hoạch điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, hạn chế tình trạng ứ đọng.

Tập trung phát triển sản xuất để đưa nông nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: NT

 

Ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp với các địa phương trên địa bàn tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chú trọng phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, chủ động tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Trần Văn Chương, dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho ngành Nông nghiệp, song đây cũng là cơ hội để ngành Nông nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện để có những hướng đi phù hợp hơn, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ngành đang tập trung rà soát, đánh giá lại diện tích trồng mì, từ đó xây dựng lộ trình để từng bước giảm diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh từ 38.524ha hiện tại xuống còn 30.000 ha vào năm 2025. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế từng tiểu vùng để nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm hàng hoá nông sản; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị và thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với hoạt động chế biến nông sản, Sở NN&PTNT cùng với Sở Công thương đang tiến hành rà soát lại khối lượng hàng hoá xuất khẩu còn tồn đọng, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp để đề ra các kịch bản phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của từng giai đoạn; nỗ lực tìm kiếm và đa dạng các thị trường xuất khẩu, đồng thời, tăng cường thúc đẩy tiêu thụ nội địa để hạn chế bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Với những giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tin rằng ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn giữ được vị thế là “điểm sáng” của kinh tế tỉnh ta.         

NGỌC THẮNG

Chuyên mục khác