Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

13/12/2022 13:12

Cùng với việc đầu tư dây chuyền sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, các chủ thể tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng linh hoạt, chủ động với nhiều cách truyền thông, quảng bá và hợp tác với điểm bán hàng để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.

Trong những năm qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã được thực hiện ở hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhiều chủ thể được sự giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên đã mạnh dạn đầu tư vốn, nhà xưởng, máy móc, ứng dụng công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí khắt khe của thị trường và tham gia chương trình OCOP.

Cho đến nay, toàn tỉnh có 157 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, trong đó,  có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 21 sản phẩm 4 sao và 135 sản phẩm đạt 3 sao.

Sản phẩm OCOP được bày bán tại các cửa hàng trưng bày ở thành phố Kon Tum. Ảnh: H.N

 

Các sản phẩm được phân hạng đạt OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ. Nhiều sản phẩm OCOP đã từng bước khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng.

Theo các chủ thể, sản phẩm được phân hạng là những sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng nhiều người dân cũng chưa biết tới. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Thông qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để các sản phẩm OCOP vươn ra thị trường, ngoài việc nỗ lực của các chủ thể, doanh nghiệp, HTX thì các sở ngành, địa phương và Liên minh HTX tỉnh  cũng triển khai các chương trình hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; kịp thời tổng hợp thông tin doanh nghiệp về hàng hóa, dự báo thị trường, cơ hội kinh doanh, giúp các HTX trong tỉnh nắm được diễn biến thị trường và một số cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho HTX phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng các đơn vị chức năng hỗ trợ HTX tham gia các Hội chợ trong, ngoài tỉnh và các chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, kết nối giao thương đối với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; thường xuyên kết nối đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP vào các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn thành phố Kon Tum và một số sản phẩm OCOP ra các tỉnh bạn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tạo điều kiện cho HTX mở rộng mạng lưới bán hàng, tìm kiếm cơ hội quảng bá những mặt hàng nông sản, dược liệu, cà phê của tỉnh; tiếp cận các kênh tiêu thụ tại các siêu thị, nhà phân phối lớn trên phạm vi cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hình thành chuỗi các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đơn cử như mới đây, các HTX, doanh nghiệp đã liên kết với các cá nhân, tổ chức mở điểm bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh tại số 05 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum). Đây là cửa hàng thứ 3 sau cửa hàng của Sở Công thương (tại đường Lê Hồng Phong) và cửa hàng của Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum (tại đường Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum) được mở để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng và các sản phẩm OCOP của các chủ thể, HTX trên địa bàn tỉnh.

Khách hàng đến tham quan, mua bán tại cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh: H.N

 

Ông Bùi Huy Cường- Giám đốc Quỹ hỗ trợ HTX cho biết, các sản phẩm được giới thiệu tại cửa hàng gồm hơn 120 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao của 40 chủ thể, trong đó, có hơn 20 chủ thể là HTX trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm chủ yếu là từ dược liệu như các sản phẩm từ sâm dây, sâm Ngọc Linh, các loại nấm rừng, nấm linh chi.

Cũng theo ông Cường, các HTX đang tích cực phối hợp, liên kết với các HTX ở các tỉnh thành khác như Hà Tĩnh, Đà Nẵng để đưa các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là sản phẩm từ các dược liệu mà nơi khác không có để giới thiệu, quảng bá đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.

Không chỉ qua kênh bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng, các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng linh hoạt chủ động giới thiệu sản phẩm của mình qua nhiều kênh như thông qua mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng điện tử nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, chủ động liên kết với các nhà phân phối có uy tín trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. 

Chị Y Bót- Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó Giám đốc HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, chúng tôi cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội, vì vậy, sản phẩm của HTX không chỉ bán ở trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam.

“HTX đang phối hợp với một doanh nghiệp ở Hà Nội chế biến sâu ra các sản phẩm từ dược liệu để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho thành viên, xã viên và người nông dân”- chị Y Bót cho hay.

Từ sự linh hoạt, đa dạng các hình thức quảng bá sản phẩm của các chủ thể, HTX nên hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng biết đến và có nhiều sản phẩm đã có mặt trong các siêu thị, cửa hàng lớn trong nước.

Hà Nam

Chuyên mục khác