Đưa nông sản từ làng ra thị trường

05/02/2020 13:01

Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển các ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương, đưa các sản phẩm của làng tiếp cận với thị trường tiêu thụ vẫn còn những khó khăn, lúng túng.

Những thành công bước đầu

Hơn 2 năm qua, huyện Đăk Hà đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm đặc trưng. Đến nay, huyện Đăk Hà có 11 xã, thị trấn xây dựng được 14 sản phẩm đặc trưng như: Mật ong Đại Thành, cà phê Pô Kô Farms, đặc sản gạo Đăk La, măng le Đăk Psi... Hầu hết các sản phầm truyền thống của địa phương được phát triển theo mô hình hàng hóa, đăng ký mã vạch, nhãn hàng hóa, tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, doanh thu hàng năm đều tăng.

Các năm qua, cùng với nỗ lực của người dân, doanh nghiệp cũng như các địa phương, huyện Đăk Hà triển khai nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đặc biệt, năm 2019, huyện Đăk Hà tổ chức Ngày hội di sản văn hóa để quảng bá du lịch, sản phẩm văn hóa truyền thống, đồng thời bố trí các gian hàng để quảng bá hơn 100 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là một cách làm hay của Đăk Hà trong việc truyền thông, quảng bá nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện tiếp cận với thị trường rộng hơn.

Cũng như Đăk Hà, huyện Kon Plông là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm. Các sản phẩm mang thương hiệu của huyện đã có mặt tại hệ thống các cửa hàng bán lẻ của các tỉnh như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Các sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Glei. Ảnh: TH 

 

Để làm được điều này, hơn 1 năm qua, huyện Kon Plông tập trung chỉ đạo các xã, phòng ban trực thuộc khảo sát các sản phẩm thế mạnh của địa phương, từng bước chuẩn hóa các sản phẩm hiện có bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn nhãn mác.

Bên cạnh đó, huyện tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, đứng chân trên địa bàn làm mã QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện đã có hơn 33 sản phẩm đặc trưng đã và đang được đăng ký bảo hộ, trong đó có thể kể đến các sản phẩm như: Rau xứ lạnh Măng Đen, cá tầm Măng Đen, sơn tra Măng Bút, rượu gạo đỏ Măng Đen...

Nhằm gắn kết sản xuất và tiêu thụ, huyện Kon Plông cũng bố trí 2 gian hàng giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu của huyện tới người tiêu dùng, khách du lịch.

Ông Lê Tấn Hiển - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết: Để mở rộng quy mô và nhân rộng chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, huyện chỉ đạo thực hiện từ khâu quy hoạch sản xuất các loại cây trồng cũng như vật nuôi; hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân mở các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hàng tháng các xã tổ chức 1 chợ phiên, trong đó có bán các sản phẩm của xã mình. Huyện tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm hàng hóa đến các siêu thị trên toàn quốc để mở rộng ra thị trường đầu ra trên toàn quốc.

Song song với việc xây dựng thương hiệu, quảng bá ra thị trường, huyện Kon Plông từng bước xây dựng các vùng chuyên canh nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tiêu biểu như ở vùng chuyên canh rau, hoa ở xã Đăk Long, Măng Cành, vùng chuyên canh lúa gạo đỏ ở xã Măng Bút.

Các sản phẩm đặc trưng của địa phương đang ngày càng được nhiều người  tiêu dùng biết đến, từ đó tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm. Giá trị của sản phẩm theo đó cũng được nâng lên, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người nông dân. Đây được coi là một giải pháp nhằm tăng giá trị hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp, góp phần giúp người dân thoát nghèo.

Vẫn còn những trăn trở

Dù đã đạt được những thành công bước đầu, tuy nhiên, thực tế việc triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, đặc biệt, việc đưa hàng hóa nông sản từ làng ra thị trường của nhiều địa phương vẫn đang gặp phải những khó khăn, lúng túng trong khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa sản phẩm tiếp cận các kênh phân phối.

Đơn cử như ở huyện Đăk Hà, chỉ riêng sản phẩm cà phê cũng có quá nhiều thương hiệu với hàng loạt các sản phẩm na ná nhau như: cà phê bột nguyên chất, cà phê hòa tan, cà phê phin giấy... Chính điều này dẫn đến việc các đơn vị kinh doanh của huyện phải cạnh tranh với nhau ngay chính “sân nhà” và người tiêu dùng cũng khó khăn trong việc nhận diện thương hiệu, lựa chọn sản phẩm; các nhà bán lẻ cũng mất nhiều công sức để chọn lựa hàng hóa.

Hay như ở huyện Tu Mơ Rông, đến nay huyện đã đăng ký xây dựng thương hiệu cho 7 sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn. Đó là sản phẩm cà phê xứ lạnh, mật ong rừng, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, ngũ vị tử, sơn tra và phát triển du lịch cộng đồng. Đây được coi là một giải pháp nhằm tăng giá trị hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu tại địa phương, qua đó giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, huyện Tu Mơ Rông vẫn gặp lúng túng trong chính sách quảng bá, đưa sản phẩm tiếp cận với các kênh phân phối, bán lẻ. Người tiêu dùng hầu như chỉ biết đến dược liệu Tu Mơ Rông qua con đường...truyền miệng hoặc các kênh bán hàng online của tiểu thương.

Các sản phẩm đặc trưng của huyện Ia H'Drai. Ảnh: TH 

 

Theo kế hoạch, giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh ta sẽ phát triển 29 sản phẩm đặc trưng, trong đó tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm từ hồng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh đạt tiêu chí cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi các sản phẩm quốc gia. Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh ta lựa chọn và phát triển thêm 45 sản phẩm, nâng số sản phẩm lên 74 sản phẩm có lợi thế so sánh từ các sản phẩm quy hoạch; tập trung đầu tư, phát triển thêm 5 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh tiếp tục lựa chọn và phát triển thêm 11 sản phẩm, hoàn thành thực hiện 85 sản phẩm chủ lực trên tổng số 138 sản phẩm theo quy hoạch; tập trung đầu tư, phát triển thêm 3 sản phẩm đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Điều này sẽ góp phần giúp các địa phương có kế hoạch phát triển sản phẩm đặc trưng, từ đó khai thác được thế mạnh của địa phương để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Nhưng để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng, đưa hàng hóa tiếp cận thị trường rộng rãi thì các địa phương còn rất nhiều việc phải làm.

Xây dựng mỗi xã một sản phẩm không phải là một phong trào mà là một chương trình kinh tế. Những tác động từ chương trình đến tư duy sản xuất của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu,  là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chặng đường để các sản phẩm đặc trưng của tỉnh có thể có mặt tại các hệ thống siêu thị như Big C, Co.op Mart ... vẫn là chặng đường dài mà ở đó Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân cần có bước đi căn cơ từ những kế hoạch cụ thể được xây dựng, triển khai hợp lý.    

Thiên Hương

Chuyên mục khác