Đưa hương tiêu rừng bay xa

28/02/2019 13:04

Từ lâu, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng rừng núi Kon Plông một loại cây có hương vị độc đáo không thể lẫn vào bất kỳ mùi vị nào khác. Người dân Mơ Nâm (một nhánh dân tộc Xơ Đăng) gọi loài cây này là pli rilơ - nghĩa là trái tiêu rừng. Và, trái tiêu rừng có mặt trong nhiều món ăn của đồng bào nơi đây.

Hương vị tiêu rừng

Ai một lần lên với Măng Bút - xã xa nhất của huyện Kon Plông nằm dưới chân rừng khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh Kon Tum, hẳn không quên được hương vị tiêu rừng độc đáo. Tiêu rừng có vị cay nhẹ hơn ớt và tiêu thường, nhưng mùi thơm lại có sức tác động kỳ lạ. Pli rilơ - trái tiêu rừng đã tạo nên sự mặn mà riêng trong các món ăn hương rừng Kon Plông.

Với người Mơ Nâm Kon Plông, đây là loại gia vị số một. Chỉ cần nêm một chút tiêu rừng vào bất kỳ món ăn gì thì món đó lập tức có mùi vị đặc trưng riêng. Nhiều người vốn kén ăn hoặc ăn ít nhưng khi chế biến thức ăn với tiêu rừng thì ăn rất ngon miệng và ăn được nhiều cơm hơn. Cũng bởi sức hấp dẫn của vị tiêu rừng không thể bỏ được mà các em học sinh bán trú khi đi học xa nhà thường mang theo những ống muối tiêu rừng để làm gia vị trong bữa ăn. Trong bữa cơm đạm bạc của các em, có chút muối tiêu rừng là bữa cơm có phần ngon hơn.

Tiêu rừng là cây thân gỗ, xanh trơn, đường kính lớn nhất khoảng 10-15cm, lá nhỏ. Cây cho quả vào khoảng tháng chín, tháng mười. Quả tiêu rừng từ lúc non đến khi già đều có màu xanh. Thường mỗi cây tiêu rừng cho từ 8-12kg hạt. Thân cây cũng có mùi thơm như quả, vì vậy người dân nơi đây còn lột vỏ cây làm gia vị khi trong nhà hết quả tiêu khô dự trữ.

Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi ở các vùng Măng Cành, Măng Bút, Đăk Tăng… tiêu rừng mọc rất thưa, thường ở tận rừng sâu, thi thoảng mới bắt gặp vài cây ven rẫy.

Cách thức hái tiêu rừng rất khác biệt với hái tiêu thường. Vì cây cao to, cành cây dai nên người hái thường trèo lên từng cành để tuốt. Khi đã hái về đem phơi khô rồi trữ vào trong vỏ quả bầu hoặc ống tre khô, có nắp đậy kín, để quanh năm trên gác bếp, gần mặt lửa. Làm như vậy tiêu rừng có thể để được quanh năm mà vẫn không bị bay mùi. Đặc điểm riêng của loại tiêu này là mọt không thể ăn được, nếu bảo quản tốt để đến bao lâu vẫn còn nguyên hương vị.

Ngày nay ở khu du lịch Măng Đen, tiêu rừng có mặt hầu hết ở các nhà hàng, quán ăn. Các chủ nhà hàng đến tận nhà dân, tìm mua bằng được loại gia vị này để dành chế biến món ăn, làm muối tiêu. Nhiều du khách cố gắng tìm mua về làm quà, hay mua về trộn ít tiêu rừng vào tiêu thường để làm tăng thêm hương vị.

Cảm nhận về gia vị đặc trưng của tiêu rừng, một số cơ sở đã thu mua, chế biến, đóng gói thành bao bì; có cơ sở chiết xuất thành tinh dầu làm tăng giá trị cho sản phẩm.

Mơ về một nhãn hiệu

Ông Bùi Quang Đạo - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn huyện Kon Plông cho biết, từ ngày đặt chân lên vùng đất Kon Plông, biết được hương vị rất đặc trưng của tiêu rừng, ông manh nha ý tưởng và mơ về một nhãn hiệu sản phẩm cho tiêu rừng.

Năm 2017, ông tìm cách chiết xuất tiêu rừng thành tinh dầu. Và được sự tiếp sức của chính quyền huyện Kon Plông những sản phẩm tinh dầu tiêu rừng của HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn ra đời với mẫu mã riêng biệt, ưa nhìn, đánh thức khứu giác bằng một mùi vị rất đặc trưng. Bước đầu các cơ quan chuyên môn đã kiểm định, đánh giá cao sản phẩm này.

Điểm thu mua dược liệu của HTX Tuyết Sơn. Ảnh: D.L

 

Hiện sản phẩm tinh dầu tiêu rừng của HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn đang đăng ký thương hiệu. Sở Công thương đã bình chọn tinh dầu tiêu rừng là 1 trong 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Kon Tum năm 2018.

Ông Bùi Quang Đạo cũng cho biết, tinh dầu tiêu rừng Măng Đen có 100% nguyên chất tiêu rừng tự nhiên. Dung tích mỗi lọ chứa từ 10ml, 30ml đến 50ml, đã được chứng nhận GMP, ISO9001, ISO14001. Công dụng của nó dùng xông hương khử mùi, làm sạch thơm không gian sống như nhà ở, xe ôtô, khách sạn…; dùng trong các liệu pháp chữa bệnh bằng massage cơ thể.

Tinh dầu tiêu rừng ngoài tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, trị các chứng đầy hơi khó tiêu, nó còn được biết đến như một tinh chất chống ô xy hóa mạnh mẽ, giúp cải thiện lưu thông máu và giảm đau. Ngoài ra, tinh dầu này còn giúp chữa các chứng cảm lạnh, ho, đờm… và thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ, cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Đường dài phía trước

Từ những thuận lợi bước đầu ấy, ông Bùi Quang Đạo khẳng định, việc tăng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ là điều HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn đang nghĩ đến và tự tin cao độ vào điểm khác biệt độc đáo của tiêu rừng. Tuy nhiên, cái khó là nguyên liệu đầu vào ngày càng ít và giá thành sản phẩm vẫn đang là một trở ngại. Trong tương lai, chúng tôi sẽ vận động và hỗ trợ các hộ dân tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là vùng rừng có cây tiêu rừng; đồng thời ươm giống phát triển cây tiêu rừng.

Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ ở mức cần thiết và có thể cho cơ sở HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng của núi rừng Kon Plông; đồng thời qua đó nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu. Sản phẩm tinh dầu tiêu rừng Măng Đen của HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn là tín hiệu vui và sẽ được hưởng các quyền lợi như ưu tiên xét chọn hỗ trợ kinh phí khuyến công để phát triển mở rộng sản xuất, chuyển giao công nghệ và quảng bá xúc tiến thương mại; sản phẩm được phép tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa cơ sở sản xuất với hệ thống các nhà phân phối; tạo cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm hợp đồng, ký kết thỏa thuận hợp tác liên doanh…

Người viết bài này đã một lần được xoa tinh dầu tiêu rừng lên mũi, cảm nhận như đang được thưởng thức cả hương vị rất riêng của núi rừng vùng Kon Plông. Tôi cũng như ông Bùi Quang Đạo cùng những người dân Mơ Nâm, Ca Dong… và chính quyền địa phương ước mong hương vị của tinh dầu tiêu rừng Măng Đen bay xa…       

Dương Lê

Chuyên mục khác