Đưa hàng bình ổn giá về nông thôn

21/01/2017 14:05

​Càng gần tết, giá cả hàng hóa trên thị trường càng có nhiều biến động, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tình trạng đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên cao thường xảy ra. Vì thế, việc đưa hàng về bán bình ổn giá ở nông thôn là một trong những giải pháp thiết thực góp phần ổn định thị trường, tạo cơ hội cho người dân nông thôn sắm tết với những mặt hàng có chất lượng, giá cả hợp lý.

Theo chân các xe hàng bình ổn giá về xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei), tôi mới thấy được sự đón chờ của người dân nông thôn đối với hàng Việt. Từ sáng sớm, khi các xe hàng vừa mới dừng tại sân nhà rông thôn Đăk Xam, bà con đã đứng vòng trong, vòng ngoài chờ, họ háo hức đợi các doanh nghiệp dọn hàng để xem và mua hàng. Vui nhất là mấy bà, mấy chị; người địu cháu, người ẵm con tíu tít chọn lựa, mặc cả, mua sắm.

Thôn trưởng A Bình phấn khởi kể: Ở những thôn, làng khó khăn như Đăk Xam, người dân phải đi mấy cây số mới có hàng hoá để mua. Thế nên, nghe có hàng bình ổn giá về bán cả làng ai cũng vui bởi người dân vừa được phục vụ tận nơi, giá cả hàng hoá lại bán thấp hơn thị trường. Đợt này, bà con trong làng mới thu hoạch mì và đang mùa lấy đót nên cũng có chút thu nhập, vì vậy, nhà nào cũng tính mua ít dầu ăn, nước mắm để dành dùng dần, mua ít bánh kẹo đến tết đãi khách và sắm vài bộ quần áo cho bọn trẻ con.

Người dân xã Đăk môn mua bán hàng Việt. Ảnh: T.H

 

Không khí mua bán rộn ràng suốt hai ngày như một phiên chợ vùng cao, người dân từ các làng tấp nập đổ về sân nhà rông thôn Đăk Xam mua sắm, người gùi, người gánh, người mang xe máy đến chở hàng tết về nhà. Để ai cũng được mua hàng nhanh nhất, ưng ý nhất, các nhân viên bán hàng vừa nhanh tay giao hàng, thu tiền, vừa tranh thủ tư vấn, hướng dẫn thêm cho bà con.

Cùng với Đăk Môn, các chuyến bán hàng lưu động lần lượt được tổ chức tại các xã Văn Xuôi (Tu Mơ Rông), Pờ Ê (Kon Plông), Ia Tơi (Ia H’Drai)... chở theo hương vị tết đến với người dân những vùng khó. Với người dân vùng sâu vùng xa, đây không chỉ là cơ hội để mua sắm được hàng hóa với giá cả bình ổn, mà còn giúp bà con tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian đi lại mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu của gia đình trong dịp tết đến xuân về.

Theo đánh giá của Sở Công thương, thực hiện chương trình bình ổn giá cả hàng hoá tết, các doanh nghiệp có nhiệm vụ thực hiện bình ổn giá đều chủ động cân đối cung - cầu, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị chu đáo hàng hóa đưa đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hàng bình ổn giá phải bảo đảm giá giảm thấp nhất 5% so với giá thị trường. Cùng với hoạt động bán hàng bình ổn giá bằng xe lưu động, Sở Công thương còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cố định trên địa bàn các huyện, thành phố.

Mặc dù cam kết giá cả phải thấp hơn giá bán trên thị trường, nhưng Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp khi tham gia các mặt hàng bình ổn giá phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyệt đối không mua bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đủ tiêu chuẩn, hàng nhái, hàng giả. Đồng thời, các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm soát việc bán hàng đúng giá, đúng chất lượng để các cam kết bán hàng bình ổn giá, đảm bảo chính sách này đến được với người dân vùng sâu vùng xa.

Những chuyến đưa hàng tết về nông thôn dẫu ngắn ngủi, hàng hoá cũng chưa thực sự đa dạng và vẫn còn nhiều vùng nông thôn người dân chưa được tiếp cận với chương trình này, nhưng không thể phủ nhận rằng hoạt động này đã mang lại nhiều lợi ích tích cực. Đặc biệt, qua đây, đã góp phần tích cực bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán…

Thiên Hương

Chuyên mục khác