Đưa công tác quản lý chất lượng nông sản đi vào nề nếp

07/02/2018 13:16

Phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh triển khai nhiều hoạt động quản lý chất lượng, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về quản lý chất lượng nông sản, bảo đảm sức khỏe cho người dân, trong những năm gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước đưa công tác quản lý chất lượng nông sản đi vào nề nếp.

Theo ông Huỳnh Văn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, không tính những năm trước, chỉ riêng năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao năng lực quản lý chất lượng nông lâm sản, an toàn thực phẩm nông lâm sản tỉnh giai đoạn 2016-2020 định hướng năm 2030; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Sản xuất rau an toàn ở huyện Kon Plông. Ảnh: V.N

 

Bên cạnh đó, để việc từng bước đưa công tác quản lý chất lượng đi vào nề nếp, hằng năm, Chi cục mở nhiều lớp tập huấn về an toàn thực phẩm như: Quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; phương pháp nhận biết sản phẩm kém chất lượng; xây dựng mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn.

Đồng thời, Chi cục tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhận biết về các hóa chất cấm sử dụng, các chất phụ gia trong danh mục được phép sử dụng, quy định về các mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm…

Song hành với các hoạt động trên, Chi cục tổ chức kiểm tra sát hạch, cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản; xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn tại thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng được Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP 1/5 phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) và cơ sở sản xuất rau an toàn (Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum) tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông) bảo đảm sản xuất và cung ứng rau an toàn theo chuỗi.

Các sản phẩm rau, củ, quả tại cơ sở Tổ Hợp tác sản xuất rau VietGAP 1/5 được Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 2 (Đà Nẵng) cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP; Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản phẩm rau, củ, quả an toàn mang thương hiệu của hai cơ sở này không chỉ có mặt ở thị trường Kon Tum mà còn vươn ra thị trường ở các tỉnh bạn.

Đi đôi với việc xây dựng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh lấy mẫu giám sát an toàn tại các cơ sở sản xuất giò chả, cung ứng thịt, rau… để kiểm soát chất tăng trọng (Salbutamol, Clenbuterol), hóa chất ngoài danh mục (hàn the, Sodium benzoat), phụ gia (Polyphosphat), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc clo hữu cơ, lân hữu cơ, carbamate hữu cơ…

Sản xuất khoai tây an toàn ở huyện Kon Plông. Ảnh: V.N

 

Đồng thời, Chi cục còn tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp; tham gia cùng Đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”… góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bằng các hoạt động trên, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh góp phần đưa công tác quản lý chất lượng nông sản ở tỉnh đi vào nề nếp, nâng cao ý thức cho người sản xuất và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.    

Văn Nhiên

Chuyên mục khác