05/09/2021 06:18
Măng Bút vào vụ gặt. Từ sáng sớm, anh A Khiên (thôn Măng Bút, xã Măng Bút) đã khẩn trương chuẩn bị máy tuốt lúa để ra đồng. Trong câu chuyện của mình, anh Khiên không khỏi vui mừng vì mùa vụ năm nay bội thu so với năm trước. Nhưng điều khiến anh phấn khởi nhất chính là việc thu hoạch lúa không còn vất vả như ngày trước. “Có máy tuốt lúa, công việc nhanh hơn, thuận tiện hơn. Trước đây, chỉ có 3 sào lúa nhưng phải tốn nhiều công để thu hoạch. Nay sử dụng máy móc, chỉ cần 1 ngày là xong, không tốn nhiều nhân công mà nhanh hơn, khỏe hơn” - anh Khiên cho hay.
Không chỉ sử dụng trong gia đình, sau khi thu hoạch xong, anh còn đưa máy đi tuốt cho các hộ gia đình khác trong thôn, trong xã. “Vụ mùa này, 10 hộ dân gọi nhờ mình tuốt. Mình đi làm chủ yếu giúp bà con, mình chỉ lấy đủ tiền dầu đổ vào máy thôi” - anh Khiên nói.
Không riêng người dân ở xã Măng Bút, người dân ở xã Đăk Tăng đã chủ động mua máy cày, máy gặt lúa, máy tuốt lúa; các thôn trong xã đều có máy xát lúa phục vụ nhu cầu của người dân. Toàn xã Đăk Tăng hiện đang tiến hành thu hoạch 262ha lúa vụ mùa. Việc sử dụng các loại máy móc đã giúp việc thu hoạch nhanh, tiết kiệm được nhân công, mang lại hiệu quả cao.
|
Bà Nguyễn Thị Hằng - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng cho biết: Trước đây, quen với nếp làm truyền thống, hơn thế, đặc thù nhiều đám ruộng sâu, người dân đa số sử dụng sức trâu để làm đất, sử dụng liềm để cắt lúa và dùng chân, máy thô sơ để đập lúa. Qua công tác tuyên truyền, người dân dần dần nhận thức rõ lợi ích của việc sử dụng máy móc. Từ đó,với những đám ruộng không lầy, người dân đã đưa vào sử dụng máy cày thay trâu. Thấy hiệu quả, người dân tiếp tục tích lũy, mua máy cắt phục vụ việc gặt lúa.
“Bà con không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ mà biết tích góp để mua máy móc phục vụ sản xuất. Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, động viên để bà con thay đổi nhận thức trong sản xuất” – bà Hằng chia sẻ.
Cũng như Măng Bút, Đăk Tăng, điều thay đổi nhất ở xã Măng Cành chính là người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ông Mai Xuân Mậu – Chủ tịch UBND xã Măng Cành phấn khởi kể, từ một vài hộ, đến nay, đa số các hộ đều có các loại máy tuốt lúa, cắt lúa; 9 thôn đều có máy tuốt đập liên hợp.
Từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, người dân còn tự mày mò, tìm hiểu, nắm rõ phương pháp vận hành các thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Như anh A Nở (thôn Kon Kum, xã Măng Cành), khi mua máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, anh luôn hỏi kỹ cách sử dụng cũng như cách sửa chữa thông thường. Trong quá trình sử dụng, nếu gặp sự cố, anh mạnh dạn gọi điện hỏi nơi cung cấp máy cách sửa chữa hoặc tìm hiểu các thông tin trên mạng để “bắt bệnh” cho máy móc.
“Mình đang tích lũy để đầu tư mua máy gặt liên hợp. Ở đây chưa có thợ sửa máy nên trong quá trình làm, mình để ý rồi tự mày mò sửa chữa nếu máy hỏng hóc. Bây giờ khác trước rồi, bà con đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy, năng suất cao hơn nhiều. Như năm nay, mình được 40 bao lúa, hơn hẳn vài bao so với năm trước”- anh A Nở vui mừng khoe.
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm chi phí, nhân công. Tuy nhiên, để tiến đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính quyền, người dân cần đầu tư hơn nữa, đưa cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung. Có như thế, mới nâng cao hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Hoài Tiến