Đưa cây mắc ca đến với người dân địa phương

04/07/2021 06:05

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó có việc rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây mắc ca để nghiên cứu, xác định mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ, hình thành một số vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện định hướng tăng diện tích cây mắc ca theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVI, trong năm nay, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương khảo sát, thực hiện trồng mới 400 ha, nâng tổng diện tích trồng mắc ca lên 763 ha (nhân dân đã trồng tự phát trước đó 363 ha).

Ông Vũ Văn Đãn - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, chọn những địa bàn có điều kiện tương đối thuận lợi, phù hợp trồng cây mắc ca để tổng hợp diện tích làm căn cứ giao chỉ tiêu thực hiện kế hoạch tỉnh giao.  

Ngay từ đầu năm 2021, Chi cục đã kết nối với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu. Cụ thể, đã tổ chức 02 cuộc hội thảo cấp huyện tại Đăk Hà, Ngọc Hồi, với 150 người tham gia; 40 cuộc hội thảo cấp xã tại 08/10 huyện, thành phố (trừ Kon Plông và Ia H’Drai), với 2.400 người tham gia.

Triển khai trồng cây mắc ca tại xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum). Ảnh: M.T

 

Chi cục còn cử cán bộ có chuyên môn, kỹ thuật và kinh nghiệm trồng trọt phối hợp với cán bộ chính quyền, đoàn thể các xã phường, thôn làng tổ chức tuyên truyền, vận động các thành viên tổ hợp tác xã, doanh nghiệp và nhân dân tham gia trồng mới cây mắc ca.

Đến nay, các địa phương đã vận động nhân dân trồng được 218,42ha, đạt 54,6% kế hoạch đề ra. Các giống mắc ca được trồng chủ yếu là H2, OX, OC, DAD, A4, A38, 508, 246, 842, 816, 695, 741, 800, 849, 699, 695, 246, Quế Nhiệt… Qua theo dõi và đánh giá của ngành chuyên môn, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca tương đối tốt. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, nhân dân đã tự trồng và chăm sóc 363 ha mắc ca, năng suất ban đầu ước đạt khoảng 3-4 tấn/ha, mức giá hiện bán khoảng 220 -250 ngàn đồng/kg quả khô.

Điển hình triển khai hiệu quả tăng diện tích cây mắc ca là thành phố Kon Tum. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ 15.244 cây giống cho 355 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo để trồng trên diện tích 67,73ha ở 12 xã phường.

Ông Phan Thanh Nam - Giám đốc Trung tâm  Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết, Thành ủy và UBND thành phố rất quan tâm đến công tác trồng mới cây mắc ca. Địa phương xác định, cây mắc ca là cây trồng được đánh giá có tiềm năng và thế mạnh để phát triển rất lớn, có thể mở rộng diện tích trồng trên địa bàn để đa dạng cây trồng. Đồng thời, cây trồng này có thể tạo ra thu nhập cao, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong thời gian tới. Bởi vậy, các đồng chí lãnh đạo địa phương đã trực tiếp làm việc, trao đổi, kêu gọi các doanh nghiệp, công ty, tổ chức tham gia mô hình liên kết trồng, tiêu thụ cây mắc ca trên địa bàn. Qua đó, Công ty TNHH MTV Mắc ca HQO đã tiên phong, hỗ trợ miễn phí 15.244 cây giống mắc ca, theo nhu cầu đăng ký của các hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, tiến độ bà con đã trồng mới được 10.854 cây, đạt 71,2% tổng số lượng cây được cấp.     

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch trồng mắc ca đã đề ra, như: Kon Rẫy đã trồng mới hơn 23 ha, Đăk Hà 23,6 ha, Đăk Tô 45,9 ha, Ngọc Hồi 43,8 ha, Tu Mơ Rông 2,9 ha, Đăk Glei 20,7 ha và Sa Thầy 10 ha.        

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi trên, điều làm ông Vũ Văn Đãn trăn trở là có không ít khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao năm 2021 về trồng cây mắc ca. Đó là: Công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương phát triển cây mắc ca chưa thực sự sâu rộng để người dân hiểu và thực hiện. Một số địa phương có tình trạng các hộ dân vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước, nên không tự mua cây giống về trồng, dù có nhu cầu phát triển sản xuất. Một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng xã, thị trấn về chỉ tiêu trồng mới cây mắc ca; chưa có kinh phí hỗ trợ giống cây mắc ca (cho hộ nghèo, cận nghèo) và kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng liên quan.

Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chưa phát huy được vai trò “trụ cột - hạt nhân” trong việc xây dựng các liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Người dân tại một số địa phương vẫn sản xuất theo hướng “tự phát”, thiếu dự báo thị trường và thiếu liên kết đầu ra cho nông sản. Cùng đó, hạ tầng cơ sở nông thôn còn yếu, chưa đáp ứng xây dựng nhà máy để tiêu thụ, sản xuất sản phẩm mắc ca theo hướng chuỗi hàng hóa theo thị trường.

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên việc tiêu thụ nông sản nói chung và các sản phẩm cây mắc ca nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, giá rẻ, tiêu thụ ít hoặc không tiêu thụ được, gây tâm lý hoang mang cho người dân, dẫn đến người dân chưa mạnh dạn để đầu tư phát triển mạnh diện tích trồng mới.

Trong khi đó, cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh có Văn bản số 2117/UBND-NNTN về việc rà soát, tiếp tục đề nghị bổ sung diện tích đất có thể trồng và phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương phấn đấu, tham mưu tỉnh tăng diện tích mắc ca trên địa bàn tỉnh đạt 3.000ha vào năm 2030, đến năm 2050 đạt 10.000ha, theo kế hoạch phát triển mắc ca do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì xây dựng.

Với trách nhiệm được giao khá “nặng” như trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể cần tích cực phối hợp khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc hoàn thành chỉ tiêu về trồng mới cây mắc ca được giao năm 2021. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng, tham gia phát triển tích cực hơn về tăng diện tích cây mắc ca. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển cây mắc ca đến năm 2050.        

Mai Trâm

Chuyên mục khác