09/12/2022 06:03
Trên thực tế, cơ bản đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Theo số liệu thống kê năm 2020, có trên 90% lao động người DTTS sinh sống bằng nghề nông.
Vì thế, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ có ý nghĩa quyết định trong hành trình vươn lên thoát nghèo bền vững, cần được xác định là vấn đề hệ trọng, là nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách của Đảng, Nhà nước, bộ ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Từ năm 2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 24/NQ-TW về công tác dân tộc, trong đó xác định nhiệm vụ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở ở vùng đồng bào DTTS.
|
Tiếp đó, tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 31/10/2012 (Khóa XI), Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng đặt mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Đáng chú ý là Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004; Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007; Quyết định 1342/QĐ-TTg; Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016.
Luật Đất đai 2013 cũng có Điều 27 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về giải quyết đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS.
Cụ thể, chính quyền địa phương có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất.
|
Gần đây nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025) đều có cơ chế giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.
Các chính sách này đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai, được cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng tỉnh triển khai hiệu quả, từ đó góp phần tạo động lực để nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hằng năm, chỉ tiêu về tỷ lệ hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất được đưa vào bộ chỉ tiêu thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội của tỉnh. Riêng năm 2022, tại Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, UBND tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2022 có 97,06% hộ DTTS có đất ở; 97,18% hộ DTTS có đất sản xuất.
Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh cho biết, đến hết tháng 11/2022, đã có 74.390 hộ DTTS có đất ở (chiếm 97,81%), có 74.158 hộ DTTS có đất sản xuất (chiếm 97,5%), vượt chỉ tiêu đề ra.
Đây là kết quả đến từ sự nỗ lực và trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS của Trung ương và của tỉnh.
Mặt khác, công tác tổ chức rà soát đối tượng thụ hưởng, nhu cầu hỗ trợ của từng nội dung đều được tiến hành công khai, dân chủ từ thôn, làng; các nội dung hỗ trợ đều gắn với quy hoạch và điều kiện thực tế địa phương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất một cách thuận lợi, tỉnh đặc biệt quan tâm đến tạo quỹ đất từ việc thu hồi diện tích đất từ các nông, lâm trường giao về địa phương quản lý. Trong quá trình thực hiện đã khắc phục được tính mệnh lệnh “trên giấy”, nên đạt hiệu suất cao.
Trong phương án sử dụng đất của 7 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 4 Công ty TNHH MTV cà phê, Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, tổng diện tích đất được bàn giao về địa phương quản lý là 17.721,24ha.
Đến này, cấp có thẩm quyền đã ban hành quyết định thu hồi, giao về địa phương quản lý 17.327,18 ha; chỉ còn 394,07ha chưa thực hiện thu hồi.
|
Có thể khẳng định, việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã tạo điều kiện cho các hộ DTTS an cư lạc nghiệp, có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong giai đoạn 2010-2015, bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 4,11%/năm; giai đoạn 2015-2021 giảm 6,78%/năm.
Số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, hiện toàn tỉnh còn 1.666 hộ đồng bào DTTS không có đất ở, chiếm 2,19% và 1.898 hộ đồng bào DTTS không có đất sản xuất, chiếm 2,50%.
Mục tiêu chúng ta đang nỗ lực phấn đấu là đạt 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất vào năm 2025- ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay.
Điều này đồng nghĩa với việc, các cấp, các ngành phải tiếp tục rà soát, nắm danh sách các hộ đồng bào DTTS không có đất ở, không có đất sản xuất theo định kỳ. Trên cơ sở đó ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhất là các vùng có khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn.
Đánh giá lại thực trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp để đề xuất với cấp có thẩm quyền thu hồi đất sử dụng chưa hiệu quả, sai mục đích, đất gần khu dân cư , bàn giao về địa phương quản lý tạo quỹ đất, giao cho các hộ đồng bào DTTS thiếu hoặc không có đất ở và đất sản xuất.
Chú trọng đầu tư khai hoang, thủy lợi, cải tạo đất để tạo quỹ đất sản xuất, xây dựng các dự án tái định canh, tái định cư để bố trí đất cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là cần có giải pháp hạn chế tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai trong vùng đồng bào DTTS trái với các quy định pháp luật.
Hồng Lam