Động lực mới ở Măng Đen

08/02/2017 14:12

Thường mỗi lần đến Măng Đen, tôi hay gặp mây mù, mưa bay và luôn xuýt xoa vì lạnh, nhưng khi nhìn xuống mé bờ tây đèo Măng Đen lại thấy nắng vàng rực rỡ. Sự phân chia hai nửa dễ thấy ở vùng giao thoa khí hậu Đông - Tây Trường Sơn và với thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát mẻ trong lành tạo nên những nét đặc sắc của du lịch cùng với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang tạo ra động lực mới cho Măng Đen.

Không biết bao lần đến với Măng Đen (huyện Kon Plông), nhưng mỗi lần đến đây, tôi luôn bị mê hoặc bởi đất trời hoang sơ, khí hậu mát mẻ trong lành, và bởi những căn biệt thự sang trọng ẩn mình dưới ngàn thông xanh. Vùng du lịch sinh thái này đang hút các nhà đầu tư lớn khi song hành với xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Măng Đen, ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi, còn có vị trí thuận lợi trong giao thương với Quốc lộ 24 đi ngang qua kết nối các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên - Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y qua đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn Đông đi Đà Lạt - Đông Nam bộ - Thành phố Hồ Chí Minh…

Từ một miền rừng núi non hiểm trở ít người biết đến, ngày nay Măng Đen đang trở thành giao lộ quan trọng và là nơi thu hút các nhà đầu tư và du khách bốn phương. Còn gì thú vị bằng được sống giữa thiên nhiên hoang sơ với khí hậu mát mẻ, trong lành, nhiệt độ quanh năm từ 18-20oC và sống giữa những người dân chân chất, mộc mạc và mến khách.  

Hòa mình với Măng Đen, tôi còn bị mê hoặc bởi tiếng suối nước róc rách trong rừng nguyên sinh, những bọt nước trắng xóa ở các thác nước Pa Sỹ, Đăk Lô…, những hồ nước Ðăk Ke, Toong Ðam trong xanh, tĩnh mịch…

Trong cảnh sắc thiên nhiên kỳ ảo này, chúng ta gặp những tộc người anh em Mơ Nâm, Ka Dong, H’re... thân thiện với nhiều nét văn hoá, phong tục tập quán đặc sắc. Đến với Măng Đen, chúng ta cũng không thể không đến điểm du lịch văn hóa tâm linh với hình tượng Đức Mẹ sầu bi, tượng Bồ Tát ở chùa Khánh Lâm ẩn trong mây mờ càng làm cho cảnh sắc nơi đây thêm kỳ bí.  

Còn gì bằng sau khi tịnh tâm ở thế giới tâm linh, bạn được thỏa thích ngắm nghía những vườn rau, vườn cam xanh bóng mượt, vườn dâu tây quả chín đỏ mọng, vườn chanh dây quả lủng lẳng đầy giàn, đàn dê béo tốt căng sữa, đàn cá tầm giỡn nước ở hồ xanh... được sản xuất và nuôi trồng theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm.

Có người ví Măng Đen như Đà Lạt, nhưng theo tôi cách ví này có phần khiên cưỡng vì Măng Đen mới được đầu tư khai thác nên còn mang nhiều nét hoang sơ, tự nhiên hơn. Chính yếu tố hoang sơ và với nhiều thắng cảnh đẹp mới thật sự là nơi hội tụ để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lý tưởng. Sự cộng hưởng giữa phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh... với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra cho Măng Đen một động lực, một lực hút mới.   

Không có gì khó hiểu, kể từ khi được đánh thức, Măng Đen đang từng bước chuyển mình. Theo UBND huyện Kon Plông, bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, đến nay, huyện thu hút 80 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn. Trong các dự án đầu tư, có những dự án lớn đầu tư theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Dự án phát triển rau, hoa, quả chất lượng cao (Tập đoàn Vingroup), Dự án chăn nuôi dê sữa (Công ty CP Thực phẩm và Dược liệu Măng Đen), Dự án nông trại hữu cơ (Hàn Quốc), Dự án chăn nuôi bò sữa (Tập đoàn Vinamilk), Dự án rau hoa xứ lạnh (Công ty TNHH Kon Tum BELLEST)…

Trồng rau sạch củai Công ty TNHH Thiện Mỹ ở Măng Đen. Ảnh: Đ.N

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ - Giám đốc Công ty  TNHH Thiện Mỹ - Kon Tum trải lòng: Một lần tình cờ truy cập trang mạng ở tỉnh Kon Tum giới thiệu về Măng Đen cùng chính sách ưu đãi đầu tư và đến khảo sát thực tế, thấy đất đai còn nguyên sơ, không khí trong lành mát mẻ, tôi liền nghĩ đây là vùng đất lý tưởng để sản xuất nông nghiệp sạch và quyết định đầu tư ở đây. Tôi rất mừng, khi UBND tỉnh chọn Măng Đen làm nơi thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ở một doanh nghiệp khác mới đầu tư phát triển chăn nuôi dê sữa theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình VietGap là Công ty CP Thực phẩm và dược liệu Măng Đen nhưng đã xây dựng được thương hiệu. Ông Dương Văn Hưởng – Phụ trách kỹ thuật Công ty CP Thực phẩm và dược liệu Măng Đen cho biết, đàn dê của công ty nhập về từ cuối tháng 4/2016, đến nay phát triển tốt và cho sữa. Sản phẩm sữa dê của công ty đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận. Một số công ty trong và ngoài nước đã về tham quan và đánh giá đây là điểm sáng của Việt Nam.

Còn đây là sản phẩm rượu vang sim của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn được chế biến từ những quả sim rừng tự nhiên ở Măng Đen đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước. Trở về với nguồn lương thực tự nhiên là sản phẩm gạo đỏ (còn gọi gạo xà cơn). Đây là loại gạo được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng khá cao được bà con sản xuất tự nhiên trên những triền đồi, hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc hóa học đang được huyện khuyến khích phát triển và được nhiều doanh nghiệp thu mua chế biến thực phẩm dinh dưỡng có giá trị cao cho người tiêu dùng.

Có ý kiến cho rằng, chiến lược phát triển du lịch sinh thái gắn với xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang thực sự tạo ra động lực mới, lực hút mới với các nhà đầu tư và du khách đến với Măng Đen.

Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và xây dựng một đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm để tiếp tục thu hút, giữ chân các nhà đầu tư phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để Măng Đen phát triển mạnh hơn, nhanh hơn và thực sự trở thành vùng kinh tế động lực, năng động trong khu vực.

                                                                   Đào Nguyên

Chuyên mục khác