Động lực để huyện Ia H’Drai phát triển bền vững

21/01/2024 06:50

Những con đường đất năm nào giờ đã được trải bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà tạm năm xưa đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố... Có được những đổi thay đó là nhờ sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền huyện biên giới Ia H’Drai trong việc triển khai kịp thời các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Năm 2022 và 2023, tổng kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 của huyện Ia H’Drai là hơn 195 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, cấp ủy, chính quyền Ia H’Drai luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các Chương trình MTQG với nguyên tắc: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; không thực hiện đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo và cộng đồng.

Lãnh đạo huyện Ia H’Drai về họp thôn để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình triển khai thực huyện các chương trình MTQG. Ảnh: KN

 

Bà Phạm Thị Sung ở thôn 1, xã Ia Dom cho biết: Gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, gia đình làm chuồng trại và chăm sóc cho thật tốt. Sau này bò sinh sản, giúp gia đình có thêm thu nhập, kinh tế ổn định hơn.

Thầy giáo Đỗ Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Hùng Vương, xã Ia Đal cho biết: Trường có hơn 1.000 học sinh, trên 80% là học sinh DTTS. Năm 2023, được huyện quan tâm đầu tư xây dựng dãy nhà gồm 8 phòng học, khu bán trú 8 phòng ở và bếp ăn 1 chiều từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Sự quan tâm đầu tư của huyện đã tạo điều kiện cho các cháu có chỗ ăn, ở, giảm bớt gánh nặng cho gia đình; phòng học đầy đủ đảm bảo cho việc dạy và học.

Được sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của nhân dân, các Chương trình MTQG đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo, như nhà ở, đất sản xuất, khám chữa bệnh, học tập... Các chính sách về an sinh xã hội khác đã được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Qua rà soát, cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 12,71% so với cuối năm 2022, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 19,52% so với cuối năm 2022. Đến nay, huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 13 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

Bà Phạm Thị Sung ở thôn 1, xã Ia Dom phấn khởi khi được hỗ trợ bò sinh sản. Ảnh: KN


Ông Hà Văn Hợp (dân tộc Thái) - người có uy tín ở thôn 1, xã Ia Dom chia sẻ: Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ cho bà con về mọi mặt. Với vai trò của một người có uy tín, tôi thường xuyên vận động bà con bảo vệ các công trình của nhà nước đã đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao đời sống.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đã làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo, đồng bào DTTS có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia thực hiện các chương trình MTQG, từ đó phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng.  

Khánh Ngân

Chuyên mục khác