Động lực cho người trồng cà phê

24/02/2024 13:09

Niên vụ 2023-2024, giá cà phê duy trì ở mức cao, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người trồng mà còn là động lực để người dân đầu tư, chăm sóc cho vườn cây tốt hơn. Thời gian này, người trồng cà phê đang hối hả vào mùa tưới để cà phê kịp bung hoa, đậu quả đúng vụ, cho năng suất cao.

Vụ thu hoạch vừa qua, người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đều có chung một tâm trạng phấn khởi vì giá cà phê liên tục lập đỉnh. Mức giá lên cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vẫn đang tiếp tục duy trì, chính là tín hiệu đáng mừng để kéo nông dân gắn bó hơn với vườn cây; sau nhiều năm người dân gặp phải khó khăn, vất vả “cầm cự”, vì giá của sản phẩm cà phê ở mức thấp.

Ông Trần Quang Nhạn (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Gia đình tôi trồng 2,5ha cà phê, vụ thu hoạch vừa qua thu được trên 10 tấn cà phê nhân. Tuy năng suất có giảm hơn vụ trước, nhưng bù lại chi phí đầu tư lại thấp hơn, trong khi giá bán cao nên gia đình tôi cũng lời được một khoản kha khá để trang trải cuộc sống và có điều kiện tái đầu tư cho vườn cây.

Thời điểm này, người trồng cà phê đang tập trung tưới nước, bón phân cho cây. Ảnh: TH

 

Mặc dù chỉ khoảng 1ha, nhưng vườn cà phê là thu nhập chính của gia đình chị Trần Thị Nghĩa (Tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà) suốt nhiều năm nay. Chị Nghĩa cho biết: Những năm trước, giá cà phê ở mức thấp khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, đã có lúc tôi tính đến việc phá bỏ cây cà phê để trồng các loại cây khác, nhưng nghĩ tiếc công, tiếc của nên gia đình tôi đã kiên trì giữ lại. May thay, vụ vừa rồi, giá cà phê tăng cao đã tiếp thêm động lực để chúng tôi yên tâm gắn bó, chăm sóc cho vườn cây.

 Quá trình chăm sóc có ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng cà phê, qua đó quyết định lợi nhuận, thu nhập của các hộ gia đình; vì vậy, người trồng luôn dành rất nhiều công sức, tâm huyết cho việc này. Trước những tín hiệu hết sức khả quan về giá cả cà phê hiện nay và những dự đoán sáng sủa trong thời gian tới, nên hầu hết các hộ trồng cà phê đã tập trung vốn để mua vật tư nông nghiệp đầu tư, chăm sóc cho cây cà phê.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê hiện có của toàn tỉnh đạt khoảng 29.800ha, tập trung tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei và Ngọc Hồi.

Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã, các hộ nông dân trồng cà phê đã quan tâm đến việc tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, đẩy mạnh liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình canh tác. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên thị trường.

Tuy nhiên, do giá sản phẩm cà phê xuống thấp, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong một thời gian dài, đã khiến một bộ phận nông dân không có khả năng và động lực đầu tư chăm sóc vườn cà phê, việc tái canh diện tích cà phê già cỗi bị hạn chế. Với việc giá cà phê nhân trên thị trường tăng cao sẽ khích lệ người dân đầu tư cho vườn cây hơn.

Giá cà phê tăng cao đã tạo thêm niềm tin, động lực cho người trồng cà phê. Ảnh: T.H

 

Dù giá bán cao, thế nhưng, để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc tốt vườn cây, không ồ ạt mở rộng diện tích, mà thay vào đó là chú trọng canh tác  theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tập trung đầu tư chế biến sâu để nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm và thu nhập cho người trồng cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở thu mua và chế biến cà phê nhân; 27 cơ sở chế biến cà phê bột, 3 cơ sở vừa chế biến cà phê bột vừa chế biến cà phê hòa tan. Nhiều sản phẩm cà phê từng bước khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường như cà phê rang xay DakMark đạt OCOP 5 sao; cà phê đặc biệt Sáu Nhung (OCCOP 4 sao); cà phê bột nguyên chất Coffee Đăk Mar (OCOP 3 sao). Các sản phẩm cà phê bột và cà phê hòa tan còn được xuất khẩu sang thị trường các nước như Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mexico. Song, so với sản lượng cà phê sản xuất ra hàng năm của tỉnh, thì lượng cà phê chế biến vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, việc tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến là giải pháp được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu, ổn định diện tích cà phê vào khoảng 25.000ha vào năm 2025, sản lượng từ 54.563 tấn đến 63.270 tấn/năm, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn/năm.

Có thể thấy, sau nhiều năm đối mặt với khó khăn, sự khởi sắc của thị trường cà phê đã mang lại niềm tin và hy vọng về loại cây trồng này. Thế nhưng, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, cùng với việc nâng cao sản lượng, người dân cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cà phê, từ đó, niềm vui được mùa, được giá mới kéo dài và ổn định.

Thiên Hương

Chuyên mục khác