02/01/2019 06:27
Giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật
Huyện Tu Mơ Rông đến nay vẫn là địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, gần 100% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, để giúp người dân thoát nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đặc biệt là những loại cây trồng có thế mạnh của huyện.
Hội Nông dân huyện phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi để cho người dân học tập, làm theo; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên nông dân. Đồng thời, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện tổ chức cho các hội viên nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất từ những mô hình kinh tế trên địa bàn các huyện. Qua đó, giúp nông dân nâng cao nhận thức, mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây con giống phù hợp vào sản xuất, chăn nuôi.
Trong 6 năm (từ 2012-2018), Hội Nông dân huyện phối hợp với ngành chức năng mở được 23 lớp huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi cho 1.250 lượt hội viên nông dân; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng được 7 mô hình cà phê catimo xứ lạnh, xây dựng 27 mô hình trồng trọt, 24 mô hình chăn nuôi, 8 mô hình nuôi cá nước ngọt…
|
Ông A Linh- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông cho biết: Từ các mô hình trình diễn và các khóa tập huấn, nông dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào phát triển sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập của người dân được nâng lên và không ít hộ gia đình thoát nghèo.
Đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông đẩy mạnh công tác tuyên truyền hội viên nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; vận động các hộ dân có điều kiện hơn giúp những hộ nghèo về cây con giống, ngày công lao động để phát triển sản xuất; tinh thần “tương thân tương ái” trong nông dân ở cơ sở được nâng cao. Toàn huyện thành lập được 262 tổ đoàn kết, đổi công giúp nhau trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ ngày công xây dựng nhà ở, giúp nhau xóa nghèo.
Ông A Linh- Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Từ phong trào nông dân giúp nhau phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, đến nay hình thành nhiều nhóm nông dân liên kết chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế liên kết nhau như mô hình trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây, cà phê xứ lạnh, đương quy, chăn nuôi heo, bò sinh sản, cá nước ngọt… mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Cũng theo ông A Linh, trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế chủ yếu là giúp nhau về ngày công lao động, hỗ trợ nhau về cây con giống không lấy lãi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi… đã có hàng trăm ngày công, hàng nghìn cây con được các hội viên khá giả giúp các hộ nông dân nghèo. Nhiều hộ nông dân nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo và có không ít hộ còn vươn lên làm giàu.
Thời gian tới, Hội Nông dân Tu Mơ Rông đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; cùng đồng hành với nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn và định hướng sản xuất, lựa chọn những mô hình làm ăn có hiệu quả để nhân rộng, sẵn lòng giúp nhau vươn lên cùng làm giàu…
Phúc Nguyên